1. Trong dòng văn chương võ hiệp Trung Hoa, Cổ Long là tác giả nổi tiếng nhất sau Kim Dung. Có thể nói ông là một bậc đại bút trong lãnh vực này. Trong khi Kim Dung sử dụng hình thức kể chuyện truyền thống của Trung Hoa, văn chương Cổ Long rất gần với các thủ pháp và cấu trúc của văn học phương Tây, đặc biệt ở lãnh vực văn học trinh thám. Không phải ngẫu nhiên mà giới võ lâm tôn ông là người đặt nền móng cho dòng võ hiệp tân phái.
Điều đáng lưu ý là so với các nhân vật anh hùng của Kim Dung, các nhân vật chính của Cổ Long tính nết cổ quái, lãng tử phiêu bồng hơn hẳn. Cả đời văn của Kim Dung chỉ có mỗi gã Lệnh Hồ Xung đáng gọi là giang hồ lãng tử, trong khi các nhân vật chính của Cổ Long đều xứng là dân chơi thứ thiệt: Lục Tiểu Phụng, Sở Lưu Hương, Hoa Mãn Lâu...
2. Dân chơi phải ra chơi: Lục Tiểu Phụng và Sở Lưu Hương đi lại trên giang hồ không bao giờ dùng tới binh khí. Cả hai khi hành tẩu thường ỷ vào tài lanh chân lẹ mắt. Khinh công của họ Sở thuộc hàng nhất lưu, nếu không thế làm sao y được giang hồ phong là “vua trộm”. Khi lâm địch, bức bách quá thì họ Sở rút trong cổ áo ra… chiếc quạt để múa may đón đỡ. Đánh nhau bằng quạt thì đâu thể gọi là đánh. Họ Sở nghinh địch dưới ngòi bút của Cổ Long chẳng khác nào đang trình diễn nghệ thuật. Đến Lục Tiểu Phụng thì quạt cũng không còn. Họ Lục nổi danh giang hồ chỉ với hai ngón tay: công phu Linh tê chỉ. Vì những lẽ đó, đa số các nhân vật chính trong truyện Cổ Long khi lâm trận thường không tỏa ra sát khí.
Tiqui-taca của đội tuyển Tây Ban Nha chính là theo đường lối võ học này.
3. Nếu Sở Lưu Hương và Lục Tiểu Phụng ỷ vào khinh công để thủ thắng thì các tuyển thủ của ông Del Bosque cũng dựa vào bí quyết di chuyển không bóng để chiếm tiên cơ trong hầu hết các trận đấu. Người ta thường ca ngợi khả năng chuyền bóng chính xác đến mức gần như tuyệt đối của Xavi, Iniesta, Busquet, David Silva nhưng để trình độ chuyền bóng đạt đến hỏa hầu đó, khinh công của các tuyển thủ áo đỏ phải ở mức thượng thừa: khả năng di chuyển theo khối, cách làm chủ tốc độ, cộng thêm nhãn quan chiến thuật tinh tường để chiếm lĩnh các khoảng trống thuận lợi. Bộ pháp của học trò Del Bosque ắt cùng nguồn gốc với Sở Lưu Hương và Lục Tiểu Phụng.
Và cũng như Sở Lưu Hương lúc lâm địch, thế trận của tuyển Tây Ban Nha diễn ra mềm mại, đẹp mắt như họ Sở múa quạt. Và hoàn toàn không có sát khí, dĩ nhiên. Các đòn kết liễu của Tây Ban Nha thường tiềm ẩn trong những pha đan bóng bay bướm, và đột ngột xuất hiện từ những đường chọc khe quyết định của Xavi, Iniesta hay David Siva. Loại võ học uyên áo này khi đã thấm nhuần sẽ làm thay đổi cả tính cách, diện mạo con người. Sở Lưu Hương hoặc Lục Tiểu Phụng khi nghinh địch bao giờ cũng tươi cười như đi dự hội. Các tuyển thủ Tây Ban Nha cũng thế, mặt mày Xavi, Iniesta, Silva, Fabregas, Pedro, Torres... lúc nào trông cũng tươi tỉnh, phơi phới, khoan thai, khác hẳn phong cách chiến binh của Cristiano Ronaldo hay Balotelli. Âu đó cũng là một sự khác biệt của các đường lối võ học.
4. Một nhân vật nổi tiếng khác của Cổ Long là Lý Tầm Hoan. Như các người hùng khác của Cổ Long, họ Lý tất nhiên cũng sở đắc tuyệt học khinh công “Yến tử tam sào thủy”, nhưng khác với Sở Lưu Hương và Lục Tiểu Phụng, Lý Tầm Hoan nổi tiếng về tài phóng phi đao bách phát bách trúng đến nỗi giang hồ có câu truyền tụng “Tiểu Lý Phi Đao, lệ bất hư phát”. Có thể kể đây là trường hợp ngoại lệ.
Chính cái uy danh đó khiến bất cứ cao thủ võ lâm nào khi đối địch với Lý Tầm Hoan đều run sợ, đều cảm thấy mình dưới cơ, cảm thấy mình cầm chắc cái chết trong tay. Áp lực tâm lý đó khiến đối thủ của Lý Tầm Hoan giảm sút rất nhiều nhuệ khí và dĩ nhiên không thể phát huy tối đa khả năng của mình.
Đối thủ của Tây Ban Nha cũng thế. Hiện nay, các đội tuyển quốc gia khác khi đối đầu với Tây Ban Nha đều tự xếp mình vào thế yếu, hầu hết đều chọn lối chơi phòng thủ phản công để mong thủ hòa hoặc mưu cầu chiến thắng từ những cơ hội hiếm hoi. “Đôi công với Tây Ban Nha là tự sát”, câu nói truyền miệng đó trong giới giang hồ túc cầu cũng chẳng khác gì câu “Tây Ban Nha tiqui-taca, lệ bất hư phát”! Thỉnh thoảng có đội dám chơi đôi công với thầy trò Del Bosque, cũng chỉ với tâm lý liều mạng “được ăn cả, ngã về không” chứ cũng không tự tin vào chiến thắng bao nhiêu, và thông thường họ đều thất bại.
5. Uy danh của Tây Ban Nha không phải tự nhiên mà có. Qua 3 giải đấu lớn gần đây, Xavi và đồng đội liên tiếp giành chiến thắng. Bại tướng dưới tay họ toàn các tên tuổi sừng sỏ: Đức, Ý, Hà Lan, Pháp, Bồ... Tương tự, bại tướng của Tiểu Lý Phi Đao cũng toàn là cao thủ nhất lưu trong giang hồ: Thượng Quan Kim Hồng, Thanh ma thủ Y Khốc, Kinh Vô Mạng, Bách Hiểu Sinh...
Cho nên thật dễ hiểu, cao thủ võ lâm đối diện với Lý Tầm Hoan rơi vào trạng thái tâm lý như thế nào thì đối thủ của Tây Ban Nha cũng có cùng tâm trạng.
Tài phóng phi đao của Lý Tầm Hoan đã ở mức tuyệt đỉnh, cao thủ khi đối mặt với y lại luôn ở trong trạng thái thần hồn nát thần tính, phần thắng nghiêng về họ Lý dĩ nhiên có đến chín phần mười.
Tiqui-taca của tuyển Tây Ban Nha cũng vậy. Trận pháp đã biến hóa khó lường, bình tĩnh tìm cách khắc chế đã thiên nan vạn nan, đằng này đối thủ của họ vừa đá vừa run, chính gánh nặng tâm lý đó của đối phương đã góp phần không nhỏ vào những chiến công hoành tráng của đội quân áo đỏ.
Vì vậy, để thắng được ngọn phi đao trong tay Lý Tầm Hoan hay chế ngự được chiến thuật tiqui-taca của thầy trò Del Bosque, các đối thủ phải chiến thắng được nỗi e ngại đang làm tổ trong lòng mình trước đã!
Chu Đình Ngạn