Đầu tư trọng điểm cho môn thể thao ASIAD và Olympic cần hiệu quả, tập trung

Giải bài toán làm sao đầu tư thành công cho các môn thể thao trọng điểm ASIAD và Olympic là không dễ nên ngành thể thao cần một chiến lược cụ thể.

Thể thao Việt Nam bắt đầu xây dựng Đề án để đầu tư môn trọng điểm cho ASIAD, Olympic. Ảnh: CỤC TDTT
Thể thao Việt Nam bắt đầu xây dựng Đề án để đầu tư môn trọng điểm cho ASIAD, Olympic. Ảnh: CỤC TDTT

Có chương trình thực hiện

“Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ ASIAD, Olympic tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” là chương trình đang được ngành thể thao xây dựng. Dự thảo của Đề án này đã được các bộ môn (Cục TDTT) và đơn vị chức năng bắt đầu thảo luận, xây dựng. Tuần qua, lãnh đạo Cục TDTT đã làm việc trực tiếp cùng đại diện chuyên môn các bộ môn (Cục TDTT), ban soạn thảo Dự thảo nhằm nắm bắt cụ thể hướng tới sớm hoàn thiện, bắt tay vào thực hiện.

Trên thực tế, chúng ta đã có Đề án “tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” được phê duyệt và thực hiện từ năm 2019 tới nay. Đó là một trong những tiền đề để ngành thể thao tìm kiếm nhân lực tốt nhất cho các môn thể thao thành tích cao. Trong việc thực hiện Đề án này, ngành thể thao tập trung xây dựng các chương trình thực hiện để tìm kiếm nguồn lực phát triển cho 16 môn thể thao gồm điền kinh, bơi lội, cử tạ, taekwondo, bắn súng, bắn cung, vật, đấu kiếm, boxing, TDDC, xe đạp, đua thuyền, karate, pencak silat, bóng đá, wushu. Số lượng các môn thể thao được Bộ VH-TT-DL xem xét điều chỉnh, bổ sung định kỳ 2 năm một lần theo chu kỳ SEA Games, hoặc tùy vào tình hình thực tế các giải quốc tế.

Thể thao Việt Nam có khẩu hiệu hướng tới khi tổ chức Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 là “nâng tầm ASIAD, khát vọng Olympic”. Đây là khát khao của chúng ta. Việt Nam đã giành được 13 suất chính thức Olympic Paris (Pháp) 2024. Đó là con số rất khiêm tốn, rất nhỏ so với các nền thể thao khác ở châu Á.

Vì lẽ đó, để nâng tầm hơn trong kết quả thi đấu ASIAD và đạt được khát vọng giành huy chương Olympic thì việc xây dựng phát triển môn thể thao trọng điểm với 2 đấu trường này rất cần thiết. Đại diện Cục TDTT cho biết, công việc xây dựng “Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ ASIAD, Olympic tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” sẽ làm sớm nhất bởi thể thao không thể chờ đợi, qua đó chúng ta sẽ mất đi những cơ hội quan trọng để phát triển tốt nhất nguồn lực.

Nguồn lực và cách thức triển khai

Nếu có được các môn thể thao trọng điểm dành cho ASIAD, Olympic để đầu tư, ngành thể thao sẽ tính toán kỹ lưỡng nhất nguồn lực dành cho nó. Đi cùng với nó, cách thức triển khai là điều quyết định sự thành công hay không. Lúc này, thể thao Việt Nam đang có 4 Trung tâm tập trung công tác huấn luyện chuyên biệt các đội tuyển thể thao quốc gia là Trung tâm HLTTQG Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và nhiệm vụ phải sử dụng hiệu quả, có trọng tâm riêng từng môn ở các Trung tâm để không dàn trải đã được tính tới.

Đã qua 5 năm, Đề án “tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” được thực hiện nhưng những tín hiệu về sự hiệu quả chưa cao. Trong đó, một số vướng mắc ở quy định của Đề án khiến chưa thể có phương án tốt nhất giúp đối tượng được tuyển chọn đi tập huấn nước ngoài dài lâu. Một số ý kiến từng đưa ra rằng khi tuyển chọn được con người tài năng rồi, chúng ta sẽ đào tạo, huấn luyện như thế nào để họ thành danh. Và liệu, thể thao Việt Nam có đủ nguồn lực cử VĐV từ năng khiếu ban đầu đi tập huấn nước ngoài dài hơi như nhiều quốc gia tại Đông Nam Á đang thực hiện hay không. Trả lời cho câu hỏi này, lãnh đạo Cục TDTT từng tiết lộ, khi “Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ ASIAD, Olympic tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” đi vào thực hiện, việc cử VĐV ra nước ngoài tập luyện lâu dài là có.

Tin cùng chuyên mục