Theo kế hoạch thì đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam chỉ có khoảng một tháng rưỡi tập huấn chuẩn bị cho cơ hội lịch sử dự World Cup. Thời gian ít ỏi ấy đã thua kém các đối thủ, nhưng kế hoạch tập huấn mới là vấn đề đáng bàn.
Thứ nhất là việc nhồi thể lực tại Tam Đảo và Đà Lạt 15 ngày. Thật khó hiểu khi các cầu thủ vừa trải qua lượt đi Giải vô địch quốc gia, coi như đã phải hoàn thành xong khâu thể lực. Nay dùng điều kiện độ cao để nhồi thể lực thì liệu có hợp lý không?
Thứ hai đó là việc tập huấn tại Trung Quốc và Hàn Quốc, những nơi có khí hậu lạnh trước khi về TPHCM đá trong thời điểm nắng nóng nhất thì có tác dụng ra sao? Chuyến tập huấn đáng chờ đợi tại Nhật Bản đã bị hủy, coi như đội tuyển nữ tập huấn chẳng khác gì trước SEA Games 27, với số lượng trận đấu cũng tương tự. Sự khác biệt nằm ở chỗ nào?
Thứ ba, lượt đi Giải VĐQG được tổ chức sớm không đem lại lợi lộc gì. Không có nhân tố mới, lại mất đứt 1 tháng trời để tập trung. Trong khi đó, vẫn phải nhồi thể lực như cũ. Xét trên mọi góc độ, toàn bộ kế hoạch chuẩn bị cho Asian Cup không khác gì so với cho SEA Games 27, thế thì cái gọi là đầu tư quyết liệt nằm ở chỗ nào?
Những chi tiết như nâng tiền bồi dưỡng, cải thiện điều kiện di chuyển, ăn ở thật ra chỉ mang ý nghĩa tinh thần chứ chẳng thể gọi là “đầu tư quyết liệt” cho một mục tiêu mang tính lịch sử như tại Asian Cup 2014 vào tháng 5 tới.
Lẽ ra, cần ít nhất 10 trận giao hữu chất lượng cao cho chính đội bóng đã dự SEA Games 27 trong vòng 2-3 tháng là sẽ đạt yêu cầu. Đằng này, toàn bộ việc chuẩn bị của bóng đá nữ Việt Nam có vẻ được thiết kế quá máy móc, quan liêu: Có đấu giải tuyển chọn, có thể lực, có tập huấn nước ngoài. Nhưng tất cả, chẳng có điểm đặc biệt nào cho thấy chúng ta đang dồn toàn bộ nguồn lực cho một cú “vượt vũ môn” cả.
Không lẽ bây giờ lại quay lại “bài ca” cũ: Trông chờ vào tinh thần của các nữ cầu thủ?
Câu nói chua chát của tiền đạo Minh Nguyệt vẫn còn đấy: “Xin đừng lợi dụng lòng đam mê của cầu thủ nữ”.
Đăng Linh