Sự kiện mang tính cộng đồng này đã trở thành thông lệ, được tổ chức sau mỗi kỳ Asiad và không một quốc gia nào được phép từ chối đăng cai. Vì vậy, mới có chuyện chỉ vài giờ sau khi thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) khẳng định sẽ chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để tổ chức Asian Para Games 2022, thì Hội đồng Thể thao châu Á (OCA) mới chính thức thừa nhận quyền đăng cai Asiad 2022 thuộc về nơi này.
Dĩ nhiên, khi đã xem là đấu trường nhân văn thì không thể quá kỳ vọng vào những màn tranh tài đỉnh cao, hoặc đặt niềm tin vào một thành tích kỷ lục thực sự, giống như ở những sân chơi thể thao thành tích cao châu Á và thế giới khác. Khi đến đây, các VĐV khuyết tật chỉ muốn chứng minh rằng, dù cơ thể không lành lặn, khiếm khuyết chức năng, nhưng khát vọng sống và nghị lực vươn lên trong thể thao của họ rất mãnh liệt.
HLV Nguyễn Văn Phương (cựu á quân SEA Games), một trong những tình nguyện viên tích cực hướng dẫn thi đấu môn điền kinh, tâm sự rằng, phải sát cánh cùng VĐV khuyết tật trên sân tập, trở thành “VĐV thứ hai” bên cạnh họ ở các giải đấu trong nước và quốc tế thì mới thấu hiểu được nỗ lực vươn lên của VĐV khuyết tật dữ dội đến nhường nào. Nên, theo anh Phương, góp một phần công sức để giúp các VĐV khuyết tật thể hiện tốt hơn năng khiếu thể thao cũng chính là đang giúp họ hòa nhập vào cộng đồng.
Asian Para Games 2018 có khoảng 4.000 VĐV đến từ 43 quốc gia sẽ tranh tài với tổng cộng 581 tấm huy chương ở 18 môn thi đấu: bắn cung, điền kinh, cầu lông, boccia, cờ vua, đua xe đạp, bóng Goal, judo, bóng cỏ, cử tạ, bơi lội, bắn súng, bowling, bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ, đấu kiếm và quần vợt. Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á năm nay diễn ra tại Jakarta (Indonesia) từ ngày 6-10 đến ngày 13-10. Lễ thượng cờ các đoàn tham dự Asian Para Games 2018 diễn ra trong 2 ngày (4 và 5-10). Lễ thượng cờ của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Asian Para Games 2018 đã diễn ra trọng thể tại Làng vận động viên Kemayoran vào sáng 5-10. |
Ngay chính những người làm thể thao khuyết tật cũng cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận và quan tâm đầu tư đúng mức cho thể thao người khuyết tật. Đã đến lúc thể thao người khuyết tật Việt Nam cũng cần hướng đến chuyên nghiệp với các chính sách tương xứng, nghiên cứu các phương tiện tập luyện, hỗ trợ thi đấu để theo kịp sự phát triển của thể thao khuyết tật khu vực và thế giới.
Cùng với những thay đổi về chính sách hỗ trợ, thiết lập hệ thống CLB thể thao khuyết tật, xây dựng cơ sở hạ tầng và trang, thiết bị, ngành thể thao nên quan tâm chăm lo, tạo điều kiện tổ chức thường xuyên và định kỳ các giải thi đấu. Điều này không những tác động tích cực đến đời sống tinh thần, động viên họ sống vui, sống khỏe và hội nhập cộng đồng mà còn là cơ sở để lựa chọn VĐV khuyết tật cho các đội tuyển quốc gia.