Đâu là bản sắc?

2.

1. Có một câu chuyện thú vị đang diễn ra tại Pleiku: Giải đấu tứ hùng giao hữu do HAGL tổ chức có một thể lệ thi đấu đặc biệt mà ở đó, nếu ghi nhiều bàn để thắng thì sẽ có thêm điểm. Mục đích của các nhà tổ chức là cổ súy bóng đá tấn công. Tất nhiên ai cũng biết, điều này tạo thêm điều kiện để dàn cầu thủ trẻ U19 của HAGL có cơ hội tiếp tục theo đuổi thứ bóng đá mà họ quen làm 2 năm qua, vốn đã tạo nên một cơn bão truyền thông lẫn sự phấn khích của người hâm mộ.

Đó là một ý tưởng tốt, chỉ có điều, nó không khả thi với 3 đội còn lại tham gia giải đấu này là Phú Yên, Cần Thơ và Khánh Hòa. Đành rằng đây là đá giao hữu, thắng thua chẳng có gì quan trọng, nên đá tấn công “cho vui” thì được thôi. Thế nhưng, vì là giao hữu tập huấn, cũng là dịp để rà soát và rèn giũa lối chơi để tháng sau vào đá giải chính thức. Đâu thể hôm nay vui quá, ta chơi tấn công… từ hàng phòng thủ để rồi vào giải, lực yếu quá, ta lại phòng thủ… từ hàng tấn công?

Đâu là bản sắc? ảnh 1

Ở trận thắng Philippines, tiền vệ Thành Lương (phải) cũng đã để lại dấu ấn bằng cú sút xa đẹp mắt.

2. Câu chuyện tại Gia Lai không có gì to tát nhưng nó lại cho thấy dường như ở Việt Nam, cái khái niệm thế nào là bản sắc vẫn rất chông chênh, ai hiểu thế nào cũng được, mỗi lúc hiểu mỗi khác.

Nó cũng giống như chuyện, vì đội U19 đá đẹp mắt quá, bỗng nhiên có luồng dư luận (bao gồm một vài vị ở VFF) cho rằng để bóng đá Việt Nam phát triển thì phải đá như U19.

Có ai không thích bóng đá đẹp, chơi tấn công không? Chúng tôi tin là ai cũng thích cả. Nhưng tất cả các đội bóng trên thế giới đều chơi cùng một kiểu thì còn gì gọi là bản sắc? Chơi tấn công không phải là chọn lựa của mọi đội bóng. Và sự khác nhau đó mới tạo nên bản sắc của từng đội, tạo ra nét đẹp của từng đấu pháp và quan trọng hơn, nó phù hợp với tư duy cũng như năng lực của một làng cầu.

Ví dụ như đội tuyển Việt Nam có phải đang chơi thứ bóng đá tấn công không? Chúng tôi cho là không. Trong đội hình đá trận Philippines, có đến 7 vị trí thuộc về phòng thủ và hoàn toàn không có tiền đạo cắm thực thụ. Cũng trong trận đấu đó, số lần tấn công cũng không nhiều, không liên tục, điều này thể hiện qua các quả sút tầm xa để các tiền vệ đỡ phải di chuyển nhiều hơn. Thế nhưng, lối chơi của Việt Nam đem lại nhiều cảm xúc vì tính bất ngờ, vì khả năng chuyển từ phòng ngự sang tấn công, vì cách kiểm soát bóng ở khu giữa sân. Người ta sẽ không thấy được các pha biểu diễn kỹ thuật, kiểu lừa bóng qua 2-3 cầu thủ.

3. Nhưng chúng tôi tin, đó mới là thứ bóng đá tạo nên bản sắc cho bóng đá Việt. Cầu thủ của chúng ta nhỏ con, có kỹ thuật nhưng thiếu tốc độ và sức bền. Những yếu tố đó không thể giúp chúng ta chơi theo kiểu dàn quân trên khắp mặt sân, đập nhả liên tục để gây sức ép mà ghi bàn. Cũng không thể phù hợp với kiểu chồng cánh xuống biên ào ào để tạt bóng vào trong.

Ngược lại, với khả năng xử lý bóng trong không gian hẹp và sự thông minh khi tiếp thu ý đồ chiến thuật, họ có thể chơi theo cách khôn ngoan hơn, đó là giữ bóng theo khu vực, phản công bằng các quả chọc khe ở trung lộ, tránh các pha tranh chấp và ít tốn sức di chuyển hơn. Hơn nữa, với kỹ thuật của mình, cầu thủ Việt Nam có thể sút xa và tận dụng những tình huống bóng chết để ghi bàn, đỡ tốn sức hơn việc cầm bóng lao vào vòng cấm địa.

Từ trước đến nay, 2 vị HLV tạo được dấu ấn rõ nét nhất lên đội tuyển Việt Nam đó là K.H.Weigang và Calisto. Cả 2 ông đều chỉ tập trung cho 2 yếu tố quan trọng nhất: Thể lực và sự đa năng của cầu thủ. Và lối chơi dưới thời của 2 HLV này đều tôn sùng sự đơn giản, hiệu quả.

Chính HLV Miura là người đã khơi lại thứ bóng đá có thể được xem là ưu điểm đó nơi cầu thủ Việt Nam.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục