Tuần qua, người hâm mộ thể thao Việt Nam đón nhận 2 thông tin rất đáng quan tâm là bản Dự thảo Chiến lược bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đề xuất của Ủy ban Olympic Việt Nam về việc đăng cai Đại hội Thể thao châu Á - Asian Games 2019 “siêu rẻ”.
Về bản Dự thảo Chiến lược bóng đá Việt Nam, 2 cuộc hội thảo lấy ý kiến tổ chức tại Hà Nội và TPHCM đã cho chúng ta biết nhiều phản biện rất sâu sắc của các đại biểu. Chung quy là mọi người hoài nghi tính khả thi của các chỉ tiêu đề ra trong bản đề án chiến lược.
Sự hoài nghi là có lý, vì người chấp bút viết bản dự thảo chiến lược chưa tính đến cơ sở để biến các mục tiêu, chỉ tiêu vừa nêu thành hiện thực. Câu hỏi đặt ra là “làm thế nào để làm được điều đó?”. Và câu trả lời hầu như là không.
10 năm trước, VFF đã từng soạn chiến lược phát triển bóng đá, thậm chí được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đóng góp ý kiến rất nhiều, gửi sang Malaysia xin ý kiến tư vấn của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC)… sau đó rồi thế nào? Bản dự thảo chiến lược ấy với biết bao mục tiêu xa vời vợi, chỉ tiêu cao ngất ngưởng đã nằm gọn trong ngăn tủ. Và hôm nay, nó được làm “sống dậy”, làm mới bởi các chỉ tiêu mới và cũng được đưa ra xin ý kiến đóng góp của mọi người. Sự hoài nghi cũng chính từ những điều này, vì e rằng bản dự thảo chiến lược ngày hôm nay lại bị ném vào tủ, đợi 10 năm sau mang ra… bàn tiếp.
Chuyện tổ chức Asian Games “siêu rẻ” thì người viết mới nghe lần đầu. Ủy ban Olympic quốc gia trình kế hoạch đăng cai tổ chức Asian Games 2019 chỉ tốn 120 triệu USD, thay vì 300 triệu USD như ban đầu, trong khi Asian Games 2010 tại Quảng Châu tiêu tốn hết 18,7 tỷ USD. Đúng là 120 triệu USD so với 18,7 tỷ USD thì siêu rẻ thật. Thế nhưng, mọi người đều biết để nhận được quyền đăng cai, các quốc gia nộp đơn ứng cử phải vượt qua các vòng “thi tuyển” gian nan do Ủy ban Olympic châu Á (OCA) xét duyệt. Mục tiêu rẻ chỉ có lợi cho phía chúng ta, chứ mang ra ứng thí thì không phải là điểm thắng để giành quyền đăng cai.
Các điều kiện đảm bảo cho một đại hội thành công chỉ là một phần, phần còn lại là các điều kiện ưu đãi mà quốc gia đăng cai dành cho các nước tham dự. Thí dụ khi Qatar cùng Malaysia giành quyền đăng cai Asian Games 2006, họ tung chiêu là miễn phí toàn bộ tiền ăn, ở cho các quốc gia tham dự. Ngay lập tức, OCA quyết định trao quyền đăng cai Asian Games 2006 cho Qatar. Đây không phải là hối lộ, mà là kiểu “chơi đẹp” đúng lúc.
Tóm lại, chúng ta đang cầm trong tay những bản kế hoạch, đề án chiến lược ít tính khả thi là điều đáng lo.
MINH HÙNG