Nhưng cũng chưa có thời điểm nào trong lịch sử giải thưởng mà những người bầu chọn lại phải ở trong tình trạng “vất vả” đến thế. Chỉ mới tính đến tháng 9, danh sách ứng cử viên đã lên đến hàng chục cái tên. Vậy mà từ nay đến cuối năm, vẫn còn AFF Cup 2018. Bất kỳ kết quả nào của giải đấu này cũng sẽ tác động đến quyết định của người tham gia bầu chọn.
Theo thông lệ bóng đá Việt Nam vẫn hay dựa vào thành tích của SEA Games hay AFF Cup vào cuối năm để quyết định ai là Quả bóng vàng, nhưng trong năm 2018, mọi diễn biến trong đời sống bóng đá từ tháng 1 cho đến tháng 12 đều có giá trị như nhau. Đã thế, số lượng ứng viên tiềm năng thì lại quá nhiều. Có lẽ, phải dựa vào các con số thống kê thì mới xác định được ai nhỉnh hơn ai. Yếu tố cảm tính sẽ không chiếm ưu thế ở kỳ bầu chọn năm nay. Người bầu chọn có thể phải “nâng lên, đặt xuống” nhiều lần.
Nói một cách bóng bẩy, đây đúng là công việc “đãi vàng để…tìm vàng”. Chúng ta đang may mắn có một thế hệ tài năng và đồng đều đến khó tin. Họ cùng nhau tạo chiến tích trong màu áo các đội tuyển và tự mỗi cá nhân đều có cách tỏa sáng riêng. Cũng chưa bao giờ có trường hợp mà các giải đấu chính thức dành cho cấp độ U.23 và đội tuyển quốc gia diễn ra trong cùng năm như lần này. Đó là chưa nói đến trường hợp vô địch V-League mang ý nghĩa lịch sử của Hà Nội FC, đội bóng đóng góp gần hết đội hình cho các đội tuyển cấp độ quốc gia. Cũng có nghĩa sẽ có nhiều ứng viên ở cùng 1 CLB, và nghĩa là cạnh tranh trên mọi phương diện.
Nhưng thôi, ai sẽ đăng quang là câu chuyện của ít nhất 3 tháng nữa, ở thời điểm này, nên dành niềm vui cho những người đứng phía sau giải thưởng.
Bởi bóng đá Việt Nam sẽ không có những khoảnh khắc đáng nhớ trong năm 2018 tính đến thời điểm này nếu không có những ông bầu bền bỉ theo đuổi chiến lược bóng đá trẻ thông qua đào tạo hay trẻ hóa đội ngũ. Họ đâu chỉ bỏ tiền cho bóng đá. Quan trọng hơn đó là cái tâm của những người muốn đóng góp thật sự. Nói chuyện thành công thì dễ, làm được điều đó cần phải có sự kiên trì và tâm huyết.
Sự bền bỉ trong công tác tổ chức giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam cũng vậy, dù ở quy mô nhỏ hơn. Để có được một thời điểm “đãi vàng” như thế này, các nhà tổ chức cũng chật vật nhiều năm trong việc duy trì giải thưởng. So với các sự kiện mang tính chất tài trợ khác, Quả bóng vàng Việt Nam thường không hấp dẫn về khía cạnh quyền lợi trong khi chi phí rất lớn, nên luôn phải “đánh vật” với vấn đề tài chính.
Chính vì thế, trong lịch sử giải thưởng, các nhà tài trợ đều liên quan mật thiết đến bóng đá. Từ Tiger Beer, đến Eximbank và 4 năm gần đây là Thái Sơn Nam. Việc hỗ trợ cho giải thưởng là một phần trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp này cho bóng đá Việt Nam. Còn nhớ hồi Thái Sơn Nam lần đầu trở thành nhà tài trợ chính năm 2015, nhiều người cho rằng “bầu Tú” tham gia chỉ vì muốn “lăng-xê” môn futsal của mình chứ đâu có liên quan gì?! Vậy rồi cũng đã qua 3 kỳ trao giải với không ít khó khăn nhưng bầu Tú và Thái Sơn Nam vẫn đồng hành Báo SGGP.
“Muốn đi xa thì cần có bạn đồng hành”, mừng cho bóng đá Việt Nam và 23 năm hành trình của Quả bóng vàng Việt Nam vì có những người đồng hành đáng quý.