Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc khám chữa bệnh ban đầu cho người dân, đồng thời giảm tải các bệnh viện tuyến trên theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức chương trình đào tạo liên tục và cập nhật kiến thức bác sĩ gia đình cùng với sự hỗ trợ tài chính của Pfizer Việt Nam.
Tại TPHCM, lễ công bố tài trợ chương trình đào tạo y khoa liên tục “Cập nhật kiến thức bác sĩ gia đình” giữa đơn vị tài trợ (Pfizer Việt Nam) và đơn vị tiếp nhận (Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) vừa diễn ra với sự chứng kiến của lãnh đạo Sở Y tế TPHCM. Dựa trên sự tài trợ này, trường sẽ tổ chức đào tạo liên tục miễn phí hơn 2.000 lượt bác sĩ gia đình và nhân viên y tế tại TPHCM và các tỉnh thành lân cận từ nay đến cuối năm 2016. Tổng cộng có 12 buổi đào tạo liên tục vào chiều thứ Sáu mỗi 2 tuần. Và mỗi buổi đào tạo liên tục sẽ được quay thành phim, phim được dựng lại để người xem có thể hiểu bài học gần giống như người đã tham gia vào lớp học ngày hôm đó. Những phim bài học này sẽ được bổ sung vào nguồn kiến thức trên trang web đào tạo trực tuyến 3 tháng.
Chương trình online 3 tháng của Bộ môn Y học gia đình Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch là hình thức đào tạo kiến thức Y học gia đình 3 tháng (học online kèm tập trung các ngày thứ Bảy, Chủ nhật) dành cho các bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề muốn bổ sung chứng chỉ hành nghề về lĩnh vực Y học gia đình. Lớp học được khai giảng hàng tháng tại bộ môn.
Bác sĩ gia đình là một chuyên ngành y khoa tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, toàn diện và liên tục cho các cá nhân và gia đình trong cộng đồng, bất kể tuổi, giới và bệnh tật, với mục đích là phòng ngừa và nâng cao sức khỏe. Tại các nước đã phát triển, mô hình này được áp dụng rộng rãi và toàn diện, góp phần giải quyết gần 80% vấn đề sức khỏe của người dân và giảm tải cho các đơn vị chăm sóc chuyên khoa và tuyến trên.
Tại buổi lễ, PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu phó Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết: Thời gian qua, theo chỉ thị của Bộ Y tế, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình được thúc đẩy mạnh và nhân rộng, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 có 80% các tỉnh được triển khai toàn diện mô hình này. Hiện nay, đã có 8 tỉnh thành trên cả nước triển khai thí điểm. Trong đó, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã và đang phối hợp đào tạo nguồn nhân lực bác sĩ gia đình cho toàn thành phố, kể cả các tỉnh lân cận”. Trong bối cảnh gánh nặng chi phí bệnh tật đang tăng nhanh chóng, nhất là các bệnh mãn tính (như tim mạch, hô hấp, khớp, ung thư...), đây là một hoạt động thiết thực và có ý nghĩa. Chương trình đào tạo này sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải thiện sức khỏe và niềm tin của người dân, đồng thời góp phần giải quyết tình trạng quá tải đáng báo động của các bệnh viện tuyến trên hiện nay.
Bác sĩ Phan Thị Thanh Hương, Giám đốc Y khoa Pfizer Việt Nam, chia sẻ: Trong thời đại hiện nay, vai trò người thầy thuốc rất quan trọng trong thực hành tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu để kịp thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cũng như phòng ngừa bệnh tật cho người dân, nhất là trong bối cảnh gánh nặng bệnh tật ngày càng gia tăng (như tim mạch, hô hấp, khớp, ung thư...). Pfizer tự hào được hỗ trợ các chương trình đào tạo y khoa liên tục để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
QUỲNH TRÂM