Sau thành tích á quân tại vòng chung kết U23 châu Á và suất vào bán kết Á vận hội 18, ông thầy xứ Hàn đang đối diện với áp lực rất lớn là phải giành chiếc Cúp vô địch Đông Nam Á.
Thực tế thì có một bộ phận dư luận sau khi háo hức với những gì HLV Park làm được ở U23 Việt Nam, đội tuyển Olympic và một số trận đội tuyển quốc gia thi đấu thành công cho rằng, lần này ông và các học trò sẽ cùng Việt Nam đăng quang AFF Cup.
Ông Park trong những lần trả lời truyền thông quê nhà đã tâm sự mục tiêu của ông là giúp bóng đá Việt Nam kiếm được suất đến Olympic Tokyo 2020 cũng như muốn lấn dần ra ngoài châu lục. Tuy vậy, nhà cầm quân 59 tuổi cũng cho biết VFF hiện đang rất khát chiếc cúp AFF sau cả thập kỷ đợi chờ nên ông cũng sẵn sàng cho công việc đấy.
Vài quan chức ở VFF khi được hỏi đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm là chẳng có lý do gì không sử dụng phần lớn đội hình Olympic Việt Nam vừa lọt vào bán kết Asiad 2018 đi đá giải bóng đá lớn nhất khu vực. Nguyên nhân là vì lứa U23 Việt Nam hồi đầu năm và đội tuyển Olympic mới đây đã chơi nổi bật và đang trở thành đề tài hot (!?) Những cầu thủ như Văn Hậu, Đình Trọng, Văn Toàn, Đức Huy… vô tình được đẩy lên cao, gạt qua những khiếm khuyết về kinh nghiệm trận mạc lẫn chuyên môn vẫn còn khoảng cách nhất định so với những cầu thủ có thâm niên đá chính trên đội tuyển quốc gia.
Vấn đề hiển nhiên là đội tuyển quốc gia vốn tập hợp những cầu thủ xuất sắc nhất của nền bóng đá, chứ không phải là nơi thử nghiệm. Cứ xem cái cách Hàn Quốc, Nhật Bản hay Iran có thể chơi không hay ở vòng chung kết U23 châu lục hoặc Asiad nhưng mỗi khi đá tại Asian Cup hoặc vòng loại World Cup thì luôn được coi là “hổ báo”. Gần hơn một chút, Thái Lan là trường hợp tưng tự ở khu vực Đông Nam Á.
Sự thăng hoa của lứa cầu thủ trẻ là một chuyện, còn mục tiêu giành Cúp vô địch Đông Nam Á lại là vấn đề khác, bởi đấu trường đấy vốn quy tụ những cầu thủ giỏi nhất, thiện chiến nhất. Mong là thầy Park cùng giới chuyên môn tinh tường nhận ra, đừng để hào quang bóng đá trẻ che mờ.