Nếu chúng ta căn cứ vào thành tích hiện tại của Than Quảng Ninh và QNK Quảng Nam cũng như thành công của Đồng Nai, Kiên Giang các mùa gần đây thì có thể khẳng định: trụ lại tại V-League không khó. Xin nhớ là các đội bóng kể trên gần như không có chút kinh nghiệm nào, đều là lần đầu tiên đá hạng cao nhất trong kỷ nguyên V-League.
Ví dụ rõ nhất là trường hợp của Đồng Nai, đội mà về lý thuyết là chưa đủ đẳng cấp đá V-League, chỉ có mặt nhờ đặc cách. Ấy vậy mà họ đã chơi mùa đầu tiên khá ấn tượng, mùa này cũng chưa có thấy dấu hiệu sẽ quay về mái nhà xưa. Trong khi đó, năng lực cũng như các điều kiện để trở thành CLB chuyên nghiệp của Đồng Nai vẫn đang rất thiếu.
Rõ ràng, cái khoảng cách giữa hạng Nhất và V-League không xa đến mức phải “sợ thăng hạng”. Các đội có thể đàng hoàng chơi V-League nếu đầu tư một cách nghiêm túc cho khả năng này. Thậm chí, như trường hợp của Than Quảng Ninh mùa này, còn có thể tạo nên sự bất ngờ thú vị.
Đội bóng này có xuất phát điểm còn kém hơn Đồng Nai, Kiên Giang nhưng lại đang chơi thứ bóng đá có đẳng cấp nhất định, không dễ bị bắt nạt. Điều này cũng đồng nghĩa, không cứ phải đầu tư ồ ạt thì mới có đủ lực để đá V-League.
Cái “chết” của các đội tân binh chính là khả năng đi đường dài. Kiên Giang là ví dụ và ngay chính “đại gia” Xuân Thành Sài Gòn cũng là một điển hình. Họ lên đá V-League với cách đầu tư ngắn hạn và không có một phương án duy trì nào sau khi “hết nguồn”. Cái quyết tâm làm bóng đá chuyên nghiệp là không có và những đội bóng như vậy, chỉ cần gặp sự cố nào đó là sẽ buông xuôi.
Đây chính là vấn đề của bóng đá Việt. Rõ ràng, để đầu tư cho một đội bóng đá V-League không phải là chuyện quá khó khăn và cần rất nhiều tiền. Những cái lợi khi đá V-League cũng chẳng phải là ít ỏi, thế nhưng lại quá thiếu những nguồn đầu tư dài hạn cho bóng đá, thiếu luôn cả các nguồn lực tinh thần từ địa phương. Điều đó, thuộc về trách nhiệm của những người làm quản lý.
Như trường hợp của HV An Giang. Đây là đội bóng có bề dày lịch sử, có ý chí thăng hạng suốt một thời gian dài, nhiều lần tiếp cận đến chiếc vé lên chơi V-League. Ấy vậy mà khi thăng hạng rồi, họ lại hầu như chẳng có đủ chất lượng để thi đấu. Con người không thay đổi, tiền bạc không nhiều hơn và cũng chẳng có bất kỳ động thái nào cho thấy họ sẽ thay đổi trong thời gian tới.
Tại sao với chừng đó thời gian mà HV An Giang không đủ sức để đá V-League? Duy trì một đội hạng Nhất chừng ấy năm thì được, sao không thể cải thiện nổi đẳng cấp của mình? Câu trả lời nằm ở cái nền chuyên nghiệp của HV An Giang không có ngay từ lúc họ ở hạng Nhất. Gần chục năm thành lập công ty theo quy định nhưng đấy chỉ là hình thức, về bản chất HV An Giang vẫn chỉ là một đội bóng chờ cơ hội thăng hạng chứ không phải là quyết tâm đá bóng tại V-League.
Trong dàn các đội đang đá hạng Nhất nhiều năm qua, không đội nào có lịch sử lẫn sự tồn tại lâu bền như HV An Giang. Thế nhưng, họ vẫn đến V-League bằng thái độ dạo chơi, đi “học việc” là chính.
Cái bất ổn của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là ở chỗ này khi không có nền tảng nên đá V-League hay không đá V-League cũng chẳng khác nhau là mấy.
Đăng Linh
|