Cứu rỗi một số phận

Nữ đô vật Lê Thị Huệ đã rơi nước mắt khi đón nhận thông tin Tổng cục TDTT sẽ nhập cuộc, tìm mọi biện pháp để giúp cô chữa trị chấn thương và tạm thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Suốt gần 10 năm qua, nữ đô vật gốc Thanh Hóa đã vật vã chống chọi với nỗi đau mất nghề, mất sức khỏe và sống kham khó trong sự cưu mang của gia đình, bè bạn.
Cứu rỗi một số phận

Nữ đô vật Lê Thị Huệ đã rơi nước mắt khi đón nhận thông tin Tổng cục TDTT sẽ nhập cuộc, tìm mọi biện pháp để giúp cô chữa trị chấn thương và tạm thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Suốt gần 10 năm qua, nữ đô vật gốc Thanh Hóa đã vật vã chống chọi với nỗi đau mất nghề, mất sức khỏe và sống kham khó trong sự cưu mang của gia đình, bè bạn.

Cô gái từng một thời được xem là tài năng của đội tuyển vật Việt Nam, từng được ví là tài sản quý của thể thao nước nhà, giờ đây chỉ còn biết làm bạn với chiếc xe lăn, rất muốn đứng dậy để đi, được làm việc để tự nuôi sống bản thân nhưng đành bất lực. Rất nhiều cá nhân, tổ chức thời điểm đầu khi Huệ dính chấn thương nặng, phải nằm viện và liệt dần nửa người, đã hỗ trợ cô, nhưng không thể nào kéo dài mãi được. Điều mà Huệ cần, và nhiều lần dư luận lên tiếng, chính là sự quan tâm, hỗ trợ từ giới chức thể thao Việt Nam đối với cô. Cô gái bất hạnh ấy phải đợi đến bây giờ, lãnh đạo Tổng cục TDTT mới vào cuộc.

Mọi sinh hoạt của Lê Thị Huệ hiện nay đều cần sự giúp đỡ của bà mẹ già.

Mọi sinh hoạt của Lê Thị Huệ hiện nay đều cần sự giúp đỡ của bà mẹ già.

Có thể, việc Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành ghé thăm, tặng quà và động viên Lê Thị Huệ tại quê nhà mới đây là quá muộn so với những tháng ngày khổ cực mà cô phải nếm trải. Nhưng ít ra, điều đó cũng mở ra cho Huệ một cơ hội mới để tiếp tục sống và dần quên đi một quá khứ buồn tủi, đớn đau.

Cứu rỗi một số phận hay cứu vãn danh tiếng cho thể thao Việt Nam? Chắc chắn là cả hai. Trực tiếp hỗ trợ hay qua giải pháp kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm quan tâm đến Huệ cũng đều được cả, vì Tổng cục TDTT rốt cuộc đã nhận ra thiếu sót của mình đối với một VĐV từng khoác áo ĐTQG, từng hy sinh cả tuổi thanh xuân cho sự phát triển của môn vật nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.

Mà không chỉ có Lê Thị Huệ, còn nhiều VĐV khác nữa từng xả thân vì danh tiếng của thể thao nước nhà nhưng không may rơi vào tình cảnh chấn thương nặng phải sớm giã từ sự nghiệp và sống vất vả cũng cần được quan tâm. Như thế, thể thao mới không mang tiếng là vắt chanh bỏ vỏ, là thiếu đi tính nhân văn trong hành xử và để nhiều thế hệ VĐV sau này trông vào đó mà đặt trọn niềm tin cống hiến, nỗ lực đến cùng vì sự thịnh vượng của thể thao Việt Nam.

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục