Công Phượng và Wararu Endo từng là đồng đội một thời gian ngắn tại Sint-Truiden (Bỉ) vào năm 2019. Tiền vệ Nhật Bản sinh năm 1993, xuất ngoại khá muộn khi đã 25 tuổi, trong khi Công Phượng sang Bỉ lúc mới 23.
Ở Sint-Truiden, họ chỉ chơi chung tại các trận giao hữu đầu mùa vì khi vào mùa giải 2019, Endo được Stuttgart mượn để thi đấu tại Bundesliga 2, còn Công Phượng đá được vài tháng thì về Việt Nam chơi cho CLB TPHCM.
Endo phát triển sự nghiệp ở Đức, làm đội trưởng của Stuttgart và cả tuyển Nhật Bản trước khi được Liverpool mua. Công Phượng về Việt Nam, rồi sang Nhật Bản, và bây giờ lại… về Việt Nam.
Khi Công Phượng sang chơi bóng ở Bỉ, nhiều người đã mừng cho tiền đạo này, vì đó là một “cung đường” quen thuộc của các cầu thủ châu Á muốn phát triển sự nghiệp quốc tế ở châu Âu. Thông thường, họ sẽ dùng Bỉ hay Hà Lan để tìm cách tiếp cận với làng cầu Đức (Bundesliga), nơi rất chú trọng phát triển các tài năng để… bán cho đội ở Anh, hay Italy, Tây Ban Nha.
Chơi thành công ở Bundesliga thì mới có cơ hội để sang các giải vô địch hàng đầu khác (Premier League, Serie A, La Liga). Endo không phải là một ngôi sao nổi bật của bóng đá Nhật Bản, nhưng con đường anh đi khá quen thuộc và không có gì bất ngờ khi cuối cùng anh cũng đã đến được cái đích của mình (như tại Liverpool) dù cũng sắp kết thúc thời đỉnh cao.
Endo sang châu Âu muộn, rồi cũng mất đến 6 năm, lặn lội từ giải Bỉ đến hạng 2 Đức, mới đạt đến cái đích mong muốn. Đó không phải là con đường dễ dàng, dù Endo là một cầu thủ Nhật Bản - “thương hiệu” hàng đầu của bóng đá châu Á. Câu chuyện giữa Endo và Công Phượng giúp chúng ta hình dung được sự khác biệt giữa cầu thủ cũng như chất chuyên nghiệp của 2 nền bóng đá.
Chúng ta từng có Văn Hậu, thể hình tốt và tuổi đời còn trẻ, sang Hà Lan cũng chỉ 1 năm rồi lại quay về. Không ai trụ lại quá 12 tháng. Phải chăng, ngoài các bất lợi về điểm xuất phát, mục đích xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam dường như khá mơ hồ, không có đủ quyết tâm và lòng tin trong khi đặt kỳ vọng quá cao, nên chỉ cần một mùa giải không được ra sân là lập tức trở về thi đấu trong nước, đồng nghĩa với việc tự cắt đứt con đường sang châu Âu của chính mình.
Nếu đặt một giả thuyết: Sint-Truiden đánh giá cao tài năng của Endo và Công Phượng mới tuyển dụng, vậy tại sao cầu thủ của chúng ta quay về nước sớm. Việc không được ra sân thi đấu chỉ là một lý do, vì số cầu thủ ở trong tình trạng này không hề ít do các CLB chỉ thường dùng trụ cột.
Nói cách khác, đã sang châu Âu phải chấp nhận dự bị, chấp nhận mất thời gian và kiên trì tìm cách hòa nhập. Nửa năm hay một mùa giải chưa là gì cả, nhất là khi cầu thủ chúng ta xuất phát từ châu Á. Thực tế, chẳng cầu thủ Việt Nam nào đi trọn cung đường ấy nên điểm đến cũng chẳng thấy đâu.