Sự có mặt của khán giả thúc đẩy các yếu tố du lịch, thương mại, văn hóa. Nên nếu các sự kiện thể thao khiến người ta phải lo ngại không muốn tham gia thì sẽ mất hết ý nghĩa, trong đó có cả động cơ thi đấu của VĐV.
Xét về chuyên môn, nếu phải nhất định tổ chức thi đấu thì không có gì không thể. Miễn là có ánh sáng, bóng có thể lăn trên sân, thì một trận đấu vẫn diễn ra kể cả khi mưa rất to. Trong trường hợp cần thiết, các sự kiện vẫn diễn ra mà không có khán giả. Nhưng điều đó chỉ ở một quy mô nhỏ, trận đấu đơn lẻ, ảnh hưởng đến một lượng nhỏ người xem. Ngược lại, nếu đó là sự kiện thu hút hàng trăm ngàn, hoặc cả triệu người quan tâm thì lại là câu chuyện khác. Đó là lý do mà dù chỉ mới đầu tháng 3, đã có ý kiến cân nhắc về tạm dừng Olympic 2020, theo kế hoạch sẽ diễn ra trong tháng 8 tại Nhật Bản. Các trận đấu ở EURO 2020 cũng cân nhắc chuyển địa điểm cho trận đấu tại Italy.
Theo cách giải thích của những người cẩn trọng, những sự kiện ở quy mô ấy không chỉ tính đến yếu tố thời điểm diễn ra mà còn phải quan tâm đến quá trình chuẩn bị. Ví dụ như việc luyện tập của VĐV Hàn Quốc, Trung Quốc, Italy hiện đang bị ảnh hưởng. Nghĩa là họ chịu một phần thiệt thòi so với những nơi khác. Hoặc trường hợp của các chặng đua F1 tại Bahrain (chặng 2) và Việt Nam (chặng 3), bên cạnh các VĐV thì việc vận chuyển thiết bị thi đấu rất phiền phức khi các đường bay thẳng quốc tế đến châu Á hiện không thông suốt như bình thường. Rồi việc di chuyển để dự khán 2 chặng đua gần nhau cũng khó khăn, trong khi đó lại là mục đích của các nhà tổ chức khi để cho các chặng đua cách nhau 10-15 ngày, vừa vặn một tour du lịch kết hợp xem đua xe.
Nhìn ở góc độ rộng hơn, với những gì đang diễn ra xung quanh dịch Covid-19, thì rõ ràng tương lai của thể thao thế giới vẫn đặt vai trò khán giả làm trung tâm. Sự an toàn, mức độ tham gia và niềm vui của khán giả mới là động lực cho các sự kiện thể thao. Có vẻ như sự phát triển của Internet, của truyền hình vẫn không thể thay thế được những khán đài thể thao. Vì vậy, người ta chọn phương pháp cực đoan là hủy bỏ trận đấu chứ không muốn tổ chức trong sân không có khán giả.
Không phải tự nhiên mà các sân bóng ở Anh có xu hướng tăng sức chứa. Những cụm sân chính của các Grand Slam trong môn quần vợt nay hoành tráng không kém gì sân bóng đá. Các chặng đua F1 được mở rộng ra nhiều quốc gia mới, những trận đấu Anh, Italy, Tây Ban Nha… đang có xu hướng tổ chức bên ngoài lãnh thổ. Hướng đến khán giả nhiều hơn, và vì khán giả nhiều hơn, qua diễn biến của dịch Covid-19, hy vọng sẽ giúp các nhà quản lý thể thao Việt Nam nhìn thấy cách thức phát triển.