Công Phượng và “vết xe mang tên… Công Vinh”

1. Bacolob, SEA Games 2005, Lê Công Vinh đã vào thẳng phòng của Alred Riedl chỉ để hỏi: Bao giờ thì anh mới được ra sân.

Cái bóng của Văn Quyến hồi đó lớn chỉ là một chuyện, cái chính là tính bảo thủ của A.Riedl, người mà gần như chọn sẵn đội hình ngay từ danh sách triệu tập tuyển thủ. Vì lẽ đó, mới có chuyện Phan Thanh Bình chắc suất dưới thời của nhà cầm quân người Áo và Lê Công Vinh, dù cũng ngang tuổi, được tập chung cùng Bình, Quyến từ hồi SEA Games 2003, ghi nhiều bàn nhất cho đội tuyển quốc gia ở Tiger Cup 2004 (thời HLV Tavares) nhưng vẫn cứ là số 2, số 3 ở SEA Games 2005.

Sau lần chất vấn Riedl ấy, Công Vinh đã được đưa ra sân và chính anh là người ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 ở bán kết SEA Games 2005 để rồi sau đó, chính thức trở thành số 1 nhưng lại… nhờ vụ án tiêu cực tại kỳ đại hội này khiến Văn Quyến không còn thi đấu.

Chẳng ai biết nếu không có vụ án ấy thì Công Vinh giờ đây ra sao bởi ông A.Riedl còn làm đến tận 2007 và dưới tay ông, Phan Thanh Bình mới là số 1.

Công Phượng vẫn đang nỗ lực tìm lại cảm xúc chơi bóng. Ảnh: Dũng Phương

2. Không biết Công Phượng có gõ cửa phòng HLV Hữu Thắng hay chưa nhưng hoàn cảnh của tiền đạo người Nghệ An này có lẽ không khác mấy.

Cứ nhìn vào những diễn biến kể từ khi HLV Hữu Thắng lên cầm quân đến nay, sẽ khó có chuyện Công Phượng là số 1 trên hàng công. Lê Công Vinh còn đó, ở AFF Cup 2016, tiếp đến là SEA Games 2017 và AFF Cup 2018, vị trí đó là của Văn Toàn, người hoàn toàn xứng đáng.

Kể lại chuyện Lê Công Vinh của hơn 10 năm trước không phải để nói HLV Hữu Thắng giống A.Riedl mà để nhắc rằng Công Phượng đừng đi theo vết bánh xe của Công Vinh. Thay vì đòi hỏi chỗ đứng của mình, tốt hơn hết là nỗ lực để giành lấy nó. Không có Văn Quyến, Lê Công Vinh vẫn cứ xếp sau Phan Thanh Bình nhưng những gì mà tiền đạo xứ Nghệ đã phấn đấu suốt chục năm qua đã giúp anh có chỗ đứng độc tôn trong làng cầu Việt Nam thời điện đại. Thay vì tỏa sáng trong một vài thời điểm, Lê Công Vinh kéo dài thời đỉnh cao của mình nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào khác. Thay vì cạnh tranh trực tiếp, Công Vinh chọn cách “đi đường dài” và rõ ràng, như người ta hay nói, “trời đã không phụ lòng người”.

3. Với Công Phượng lúc này cũng thế. Có vẻ như cầu thủ này đang cố chứng tỏ mình trên sân mỗi khi được HLV Hữu Thắng sử dụng. Càng cố, Phượng càng lạc lõng với những đường đi bóng mang tính cá nhân, dễ bị ngăn chặn. Đó không phải là cách để anh chiếm được niềm tin của các nhà cầm quân dù nó đem lại cho Phượng sự đồng cảm từ giới mộ điệu.

Đã đến lúc, Công Phượng nên học cách mà Công Vinh đã đi suốt sự nghiệp của mình. Nghĩa là Phượng phải thay đổi cách chơi dựa trên nền tảng kỹ năng có sẵn. Hơn 10 năm trước, Công Vinh từng suýt trở thành bản sao của Văn Quyến nhưng sau đó, sự hiệu quả và đơn giản đã được tôi luyện trở thành thứ phẩm chất quý giá giúp Vinh thành công và trở thành tượng đài ngay khi còn thi đấu.

Việt Long

Tin cùng chuyên mục