Enrico Chiesa, một cái tên gợi lại nhiều ký ức kỳ diệu với những trái tim đã trót yêu Serie A, giải đấu hàng đầu của thập niên 1990 và những năm 2000. Từng kinh qua hàng loạt đội bóng ở đất nước hình chiếc ủng, vươn lên đỉnh cao danh vọng ở Parma và Fiorentina, đặc biệt là chiến tích giúp cho “The Viola” vô địch Coppa Italia mùa giải 2000-2001, Chiesa cũng có 22 lần khoác áo ĐTQG Italia, một trong hai cầu thủ của “Thiên thanh” ghi nhiều bàn nhất khi vào sân từ băng ghế dự bị. Có thể nói rằng trong giai đoạn 1998-2001, việc thường xuyên được gọi tập trung đội tuyển đã là một thành công đáng ghi nhận với một người chơi ở vị trí tiền đạo như Chiesa.
Fiorentia đã từng giúp Enrico Chiesa giới thiệu mình với thế giới, và giờ ông chọn CLB này để giới thiệu con trai đến với làng túc cầu. Federico Chiesa, một trong những tài năng được mong chờ nhất lúc này của U21 Ý tham dự Vòng chung kết U21 châu Âu, là con trai đẻ của ngôi sao một thời Enrico, và cũng đang chơi cho đội bóng áo tím nổi tiếng của nước Ý. Khác với ông bố huyền thoại, Federico trông mỏng manh và công tử hơn, và chơi ở vị trí tiền vệ biên. Nếu Chiesa “bố” mạnh về băng cắt tốc độ trong vòng cấm, xử lý lắt léo và quyết đoán ở phạm vi hẹp, thì Chiesa “con” lại mạnh về tốc độ đi bóng ở biên, những tình huống xứ lý lắt léo “một đối một” để tự tạo khoảng trống cho mình. Nói đơn giản, Chiesa bố là “chờ ăn”, còn Chiesa con, là “tạo miếng ăn” cho đồng đội.
Với kỹ thuật và tốc độ cao, Federico đã tạo tiếng vang lớn trong lần đụng độ Juventus ở Serie A mùa này, anh ghi được 1 bàn thắng và liên tục khuấy đảo hàng phòng ngự lừng danh. Ở Ý, nếu bạn muốn nổi tiếng, bạn cần phải chơi thật hay khi gặp Juventus. Chiesa có lẽ đã thấm nhuần những kinh nghiệm được truyền lại từ cha đẻ, chơi bùng nổ trước Lão bà, và như thế là đủ. Cả mùa anh chơi 16 trận, ghi được 2 bàn, nhưng như đã nói, 1 bàn quan trọng trước Juve giúp anh được nâng giá 2 triệu EUR trên thị trường, và quan trọng hơn, được triệu tập vào ĐTQG trong trận thi đấu với San Marino, trước khi tập trung cùng U21 Itala thi đấu tại Ba Lan.
Trong bóng đá, chuyện “hổ phụ sinh hổ tử” là chuyện rất hiếm hoi. Hãy nhìn đến Jordi Cruyff, Enzo Zidane, Joshua Nascimento Pele… tất cả có thể đã là những cầu thủ chuyên nghiệp được đánh giá cao, nhưng nếu so năng lực với bố lại là một trời một vực. Họ không phải vươn lên từ thảm cảnh, khó khăn, họ đã được tạo một lộ trình đi, một con đường bằng phẳng bởi tiền bạc và sự nổi tiếng của cha họ. Có thể những cầu thủ này có gen di truyền, nhưng chính vì “niềm tin mù quáng” của những nhà tuyển trạch về việc “hổ phụ sinh hổ tử” vô tình tạo ra những áp lực vô hình với những “cậu quý tử”. Để rồi họ mãi mãi là cái bóng của cha mình.
Federico Chiesa cũng tiến vào bóng đá với sự kỳ vọng và ngờ vực. Bố cậu là một ngôi sao tại Serie A, nhưng vẫn chưa hẳn là một “tượng đài” của nền bóng đá này, chứ chưa nói đến thế giới. Vậy nên phận sự của Federico không chỉ là gìn giữ truyền thống bóng đá của gia đình, mà còn phải làm được nhiều hơn những gì bố anh đã làm được trong quá khứ. Chí ít đã có những tín hiệu tốt. Chiesa “cha” cần phải chơi bùng nổ vài mùa ở Serie A mới được gọi lên tuyển quốc gia năm 1996, tức là khi ông đã 26 tuổi. Chiesa “con” chỉ cần 1 mùa tạo hiệu ứng ở Serie A, đã được gọi lên đội tuyển ở tuổi 19. Chí ít, điều đó cũng giúp cậu thiếu niên lên mặt tự hào với bố của mình, dù “so sánh” đó thật khập khiễng. Italia bây giờ, ít ngôi sao hơn năm 96 thật nhiều.
Chiesa đã chơi ấn tượng trong trận thắng đầu tiên của U21 Italia tại giải đấu trước U21 Đan Mạch. Đó chỉ là điểm khởi đầu trong một giải đấu để Chiesa gửi lời chào với thế giới. Với vị trí khác với cha mình, với xuất phát điểm thậm chí còn thuận lợi hơn, bóng đá Ý đang hy vọng “Chiesa con” sẽ bước ra khỏi cái bóng, và thậm chí còn trở nên nổi tiếng hơn cả cha của anh, Enricho Chiesa xuất sắc một thời.