Cơ hội không thể bỏ lỡ

Cuộc đua kịch tính ở mùa giải 2023 cho thấy các yếu tố cần thiết để tăng sự hấp dẫn của giải đấu đã có, nhưng vẫn còn đó các tồn tại: sự minh bạch và công bằng tài chính (trần chi phí chuyền nhượng), quản lý các hội cổ động viên, kiểm soát an toàn, an ninh trên khán đài, chất lượng trọng tài…

Từ chuyện của bóng đá Thái Lan

Bóng đá Việt Nam sau giai đoạn phát triển thịnh vượng của đội tuyển quốc gia cũng đã có những cảnh báo về mặt chất lượng cầu thủ. Yêu cầu đặt ra là phải có sự phát triển đồng bộ, từ bóng đá trẻ đến thu nhập của cầu thủ…

Cách đây 3 năm, thời điểm trước đại dịch Covid-19, giải đấu Thai-League của Thái Lan công bố bản hợp đồng truyền hình “khủng” có thời hạn đến 8 năm với trung bình mỗi mùa gần 900 tỷ đồng. Thế nhưng, trước mùa giải 2023-2024, các nhà đài chỉ đồng ý trả khoảng 40 tỷ đồng, tức là kém đến 20 lần so với giai đoạn hưng thịnh nhất của Thai-League và không bằng mức 55 tỷ đồng/năm mà V-League của Việt Nam vừa ký với FPT Play trong 5 mùa giải.

Khủng hoảng kinh tế đến từ đại dịch Covid-19 không chừa một ai. Kể cả khi bóng đá Thái Lan trong những năm gần đây đã lấy lại vị thế của mình tại khu vực Đông Nam Á nhưng sức chi tiêu cho bóng đá nội địa lại sa sút nghiêm trọng. Các bản quyền của AFF Cup, SEA Games đều không thu hút được những nhà đài ở Thái Lan, thị trường được xem là lớn nhất khu vực, do lượng người đăng ký xem giảm. Thai-League cũng không còn là điểm đến của các cầu thủ ngoại chất lượng, thay vào đó là Malaysia và Việt Nam.

Câu chuyện của Thai-League rất cần được lưu tâm. Khi bóng đá chuyên nghiệp là một ngành kinh doanh, những biến động của thị trường là không thể tránh khỏi. Phát triển càng “nóng” thì khi khó khăn cũng sa sút nhanh hơn những nơi khác. Tận dụng thời cơ để phát triển là một chuyện nhưng kiểm soát chất lượng và dự báo tình hình còn quan trọng hơn bởi bất kỳ sự khủng hoảng nào ở giải vô địch quốc gia cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả nền bóng đá.

Bóng đá Việt Nam đang ở giai đoạn hưng thịnh nhờ thành tích 5 năm dưới thời HLV Park Hang-seo. Tất cả các con số nguồn thu đều tăng từ 2-3 lần bất chấp gần 2 năm không hoạt động vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Đây có thể là một sự may mắn không đến lần thứ 2, nên mới nói là bóng đá Việt Nam không thể bỏ lỡ thời cơ, đặc biệt là V-League, nơi nhận được nhiều lợi ích nhờ thành tích của đội tuyển thay vì phải ngược lại theo quy luật chung của bóng đá chuyên nghiệp.

Sân chơi V-League 2023 vẫn là nơi quy tụ các đội bóng hàng đầu nước nhà
Sân chơi V-League 2023 vẫn là nơi quy tụ các đội bóng hàng đầu nước nhà

Thay đổi để thúc đẩy phát triển

Không dưới 3 lần chỉ trong 3 tháng đầu tiên làm việc, HLV Philippe Troussier đề nghị tăng số lượng trận đấu của các giải đấu nội địa cũng như tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ được ra sân. Thế nhưng, chính đội bóng trẻ hóa mạnh nhất, có tuổi bình quân thấp nhất là SHB Đà Nẵng lại xuống hạng. Điều đó càng khiến cho các CLB ngại dùng cầu thủ trẻ, trong khi việc tăng số trận đấu chỉ khiến cho chi phí hoạt động của CLB phình lên nhưng nguồn thu từ bán vé, bản quyền và tiền quảng cáo tài trợ hầu như cố định.

HLV Troussier bước đầu đem đến những nét mới trong lối chơi của đội tuyển quốc gia, duy trì được mức độ quan tâm của công chúng với đội tuyển, nhưng về khía cạnh nhân sự thì hoàn toàn không có đột phá nào khi mà nguồn cung cấp... cầu thủ nội có chất lượng không nhiều. Trong tốp 15 cầu thủ ghi bàn nhiều nhất V-League thì hết 12 ngoại binh, 2/3 cầu thủ Việt Nam là Nguyễn Văn Quyết và Phạm Tuấn Hải vốn không phải là nhân tố mới mẻ gì. Thậm chí, trong tốp 30 ghi bàn cũng chỉ có 2 cầu thủ của Hà Nội FC này là tiền đạo thực thụ. Đây là một chi tiết đáng báo động bởi lối chơi kiểm soát bóng - tấn công mà ông Troussier đang xây dựng sẽ chẳng thể hiệu quả nếu không có chân sút xuất sắc. Ngôi sao số 1 trên hàng công đội tuyển là Nguyễn Tiến Linh đá 18 trận chỉ ghi đúng 3 bàn.

Thành thử, không có cách nào khác để phát triển bóng đá Việt Nam ngoài thúc đẩy tính chuyên nghiệp cho V-League, thông qua việc nâng số lượng CLB hoặc tìm thể thức thi đấu mới để tăng số trận đấu mỗi mùa.

Trong lần trao đổi mới đây của Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Anh Tú cho biết vẫn chưa có phương án nào để tổ chức các giải đấu dành cho đội hình dự bị hoặc U23 nhằm có thêm trải nghiệm thi đấu đối với cầu thủ trẻ. Mọi thứ hiện chỉ chờ đợi ý thức và trách nhiệm của các CLB.

Có lẽ đã đến lúc phải nghiên cứu tới việc tạo ra một khoảng thời gian mà V-League không có xuống hạng, lên hạng để các CLB bớt áp lực thành tích, đầu tư mạnh hơn cho bóng đá trẻ cũng như hoạt động kinh doanh, quản lý cổ động viên và xem xét đến mục tiêu làm bóng đá của mình. Chúng ta đã từng một lần thực hiện việc này hồi năm 1991 và cũng có những kết quả nhất định…

V-League 2023-2024 sẽ khởi tranh vào tháng 10

Mùa giải V-League 2023 được xem là mùa giải bản lề để thực hiện kế hoạch thay đổi khung thời gian tổ chức đối với giải đấu cấp CLB trong hệ thống thi đấu AFC (bắt đầu từ mùa thu của năm trước và kết thúc vào mùa hè của năm sau).

Bên cạnh đó, một số giải đấu trong năm 2023 chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 gây nên hiệu ứng domino, khiến kế hoạch tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia mùa giải 2023-2024 bị ảnh hưởng theo.

Để đảm bảo quỹ thời gian tổ chức, mùa giải 2023-2024 dự kiến sẽ khởi tranh chỉ khoảng 2 tháng sau khi kết thúc mùa giải 2023. Theo đó, khoảng thời gian tổ chức mùa giải 2023-2024 bắt đầu từ ngày 20-10-2023 và kết thúc vào ngày 11-7-2024. Mùa giải sẽ có một số thời gian nghỉ với kế hoạch thi đấu của đội tuyển vào các đợt FIFA Days, AFC Asian Cup Qatar 2024, AFC U23 Asian Cup Qatar 2024.

Ở mùa giải 2023-2024, giải hạng nhất quốc gia có 12 đội tham dự với 1,5 suất lên hạng và 2 đội bóng xuống hạng; giải vô địch quốc gia V-League có 14 đội bóng tham dự với 1,5 đội bóng xuống hạng.

P.MINH

Tin cùng chuyên mục