Thanh Hóa hiện đang kém B.Bình Dương 1 điểm nhưng họ lại đang có một “phom” thi đấu rất đáng gờm: Từ khi V-League tái đấu sau SEA Games đến nay, họ thắng 6, thua 2 và không có trận hòa nào.
Các trận thắng của Thanh Hóa cũng đang đi theo hướng mỗi lúc một thuyết phục hơn. Đây là chuyển biến cực kỳ lớn của đội bóng xứ Thanh sau khi họ có được ông chủ mới là Tập đoàn FLC. Xin nhớ là ở 4 vòng trước SEA Games, họ chỉ thắng 1, hòa đến 3.
Cái lợi thế thứ 2 là Thanh Hóa ở trạng thái “truy sát” B.Bình Dương, tương tự những gì mà B.Bình Dương đã làm đối với HN T&T mùa trước. Đội bóng ở phía sau luôn có khao khát thi đấu mạnh hơn trong khi nhà vô địch thì luôn chịu sức ép bị đánh mất lợi thế bất kỳ lúc nào. Ví dụ như ở vòng tới, B.Bình Dương khó thắng nổi HN T&T thì Thanh Hóa lại có thể kiếm ít nhất 1 điểm trên sân Đồng Nai. Họ có thể tiến vào trận “chung kết” trên sân Gò Đậu tại vòng 23 với tâm lý “không để thua” trong khi B.Bình Dương “buộc phải thắng”. Chỉ cần có 1 điểm tại Gò Đậu là Thanh Hóa sẽ tự quyết được số phận của mình trong 4 vòng đấu cuối.
Tất nhiên, bên cạnh những ưu thế thì tâm lý thi đấu cũng sẽ là một bất lợi. Với cơ hội 100 năm có, với các CĐV áo vàng luôn tràn ngập các sân bóng mọi nơi trên cả nước thì cầu thủ Thanh Hóa phải có bản lĩnh mới không bị áp lực vô địch đánh quỵ. V-League chứng kiến không ít trường hợp tương tự như với Hải Phòng mùa 2008, Nam Định mùa 2004 hay XMXT.SG mùa 2012. Trong lịch sử của giải đấu này, ngoài những đội bóng có truyền thống, kiểu như “thi thoảng” mới đá tốt thường không đủ kinh nghiệm đeo bám ở các vòng đấu cuối.
Dù sao, vẫn hy vọng Thanh Hóa duy trì được năng lực để cùng B.Bình Dương tạo ra một mùa bóng lịch sử.
Mùa bóng 2014, Thanh Hóa (phải) từng thua “muối mặt” tại Đồng Nai với tỷ số 0-8. Ảnh: Dũng Phương
VIỆT LONG