Osaka giải thích về việc "thay đổi quyết định của mình": “Như các bạn đã biết, tôi đã rút lui khỏi giải đấu vào ngày hôm qua để phản đối các hành động bất công chủng tộc và tiếp tục gây bạo lực của cảnh sát. Tôi đã sẵn sàng chấp nhận thua ở trận đấu bán kết. Tuy nhiên, sau buổi thảo luận với WTA và USTA, tôi đồng ý với đề nghị quay lại thi đấu. Họ đã đề nghị hoãn tất cả các trận đấu cho đến ngày thứ Sáu để tâm trí tôi có thể hoàn toàn tập trung vào giải đấu. Tôi muốn cám ơn cả WTA lẫn USTA vì sự hỗ trợ và động viên của họ”.
Hành động của Osaka, cả quyết định rút lui lẫn quyết định… "rút lại" quyết định rút lui nhận được sự tán thưởng từ đông đảo CĐV. Nhiều người bắt đầu tin rằng, chính Osaka, chứ không phải “đại tỷ” Serena Williams, mới là tiếng nói đại diện cho quyền lợi người da màu trên toàn thế giới ngay vào lúc này. Trên trang mạng xã hội Twitter, một CĐV ca ngợi: “Thay vì rút lui để ủng hộ quyền lợi của người da màu, việc vẫn tham gia thi đấu mang mục đích tương tự sẽ là hành động tích cực hơn nhiều, khiến nhiều người phải suy nghĩ lại”.
Bước vào sân đấu với chiếc áo thun đen in dòng chữ “Black Lives Matter” (để cổ vũ cho phong trào kêu gọi: “Sinh mạng người da đen cũng là quan trọng” đang tiếp tục bùng phát khắp nơi trên đất Mỹ), Osaka trông có vẻ thoải mái hơn hẳn và chính điều đó đã giúp cô đánh bại Elise Merterns (Bỉ) với điểm số 6-2, 7-6 (7-5); giành quyền vào chơi trận chung kết, nơi cô sẽ đối đầu với Victoria Azarenka (của Belarus), người đã đánh bại Johanna Konta (Anh quốc) với điểm số ngược dòng 4-6, 6-4 và 6-1 trong trận bán kết đơn nữ còn lại.
Osaka kể lại cho rõ về quyết định rút lui của mình, rằng cô chỉ rút lui không thi đấu vào ngày thứ Sáu, chứ không phải rút lui khỏi giải đấu: “Thành thật mà nói thì, tôi chẳng hề nghĩ đó là chuyện to lớn gì cả. Tôi nghĩ, tôi chỉ rút lui và đưa ra một thông báo. Nhưng sau đó Steve Simon (Giám đốc điều hành WTA) gọi cho tôi và nói ông ấy hoàn toàn ủng hộ hành động của tôi. Tôi thật sự rất trân trọng điều đó. Tôi quyết định rút lui sau khi kết thúc trận đấu bán kết và thấy mọi thứ mà NBA đang làm. Khi đó, tôi có cảm giác là tôi cũng nên góp tiếng nói của mình”.
“Vì thế tôi gọi cho Stu, người đại diện của tôi, chúng tôi cùng nói chuyện. Rồi sau đó, chúng tôi gọi cho WTA, họ nói rằng họ rất ủng hộ và họ sẽ dời lịch thi đấu bán kết lại 1 ngày. Vì vậy, tôi đã đăng tải thông báo của mình. Nhưng rồi tôi cảm thấy là mọi người đều bị bối rối và nhầm lẫn. Bởi vì tôi không nói tôi rút lui khỏi giải đấu. Tôi chỉ nói sẽ không tiếp tục thi đấu vào ngày tiếp theo. Tuy nhiên, vâng, kiểu như tôi vẫn rất bận rộn và thành thật mà nói, tôi không được ngủ nhiều trong ngày hôm qua. Tôi vui sướng vì đã thắng”, Osaka giải thích.
Ở giải đấu đơn nam (còn gọi là Cincinnati Masters), Novak Djokovic đã đối mặt với hiểm cảnh và một đối thủ khó nhằn nhất kể từ đầu mùa đến giờ - tay vợt kỳ cựu người Tây Ban Nha Roberto Bautista Agut. Gác vợt ván đầu tiên với điểm số thua 4-6, sau khi đánh mất 2 break-point, tay vợt đương kim số 1 thế giới người Serbia đã gỡ hòa 1-1 khi giành quyền kiểm soát ván 2 với chiến thắng 6-4. Ở trong ván đấu quyết định, đã có thời điểm Djokovic chỉ còn cách thất bại… đúng 1 game đấu nữa, thời điểm anh mất break-point thứ 3 và bị dẫn 5-6, ở game thứ 12, đối thủ cầm giao bóng. Tuy vậy, Djokovic đã bẻ lại game giao bóng này để gỡ hòa 6-6, đưa ván đấu vào loạt đánh tie-break, nơi anh dẫn một mạch lên 3-0, rồi 5-0 và cuối cùng là 7-0.
Nếu đánh bại Raonic vào lúc 0 giờ rạng sáng ngày mai, Chủ nhật 30-8, Djokovic sẽ giành “Career Golden Masters” (thắng cả 9 danh hiệu Masters 1.000) lần thứ 2. Trước đó, anh đã thắng Miami Masters 6 lần, thắng Indian Wells Masters và Paris Masters 5 lần, thắng Rome Masters, Canada Masters và Shanghai Masters 4 lần, thắng Madrid Masters 3 lần, thắng Monte Carlo Masters 2 lần nhưng chỉ mới thắng Cincinnati Masters đúng 1 lần. Rạng sáng mai, sẽ là lần thứ 2?