Chuyện hy hữu: Không đủ kinh phí, môn bơi chỉ có hồ duy nhất cho thi đấu và thả lỏng

Điều hy hữu xảy ra ở giải bơi nằm trong chương trình thi đấu chính thức Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 đó là ban tổ chức chỉ đủ kinh phí vận hành 1 hồ bơi mà không có hồ dành cho thả lỏng.

Đang thi đấu, ban tổ chức vẫn phải giành thời gian nghỉ giữa giờ cho VĐV các đơn vị xuống hồ chính để thả lỏng do không thể mở hồ thả lỏng bên cạnh vì chi phí quá cao. Ảnh: MINH CHIẾN
Đang thi đấu, ban tổ chức vẫn phải giành thời gian nghỉ giữa giờ cho VĐV các đơn vị xuống hồ chính để thả lỏng do không thể mở hồ thả lỏng bên cạnh vì chi phí quá cao. Ảnh: MINH CHIẾN

Ngày 12-12 là ngày thi đấu chính thức của môn bơi. Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 12, các đội bơi đã có mặt ở Cung thể thao dưới nước Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội) làm quen với khí hậu và hồ nước để chuẩn bị chuyên môn.

Trớ trêu, là Đại hội thể thao toàn quốc nhưng ban tổ chức chỉ sử dụng được một hồ nước chính để dùng cho cả thi đấu chính thức lẫn tập luyện và thả lỏng. “Đúng là tại Đại hội thể thao toàn quốc năm nay, môn bơi chỉ vận hành được 1 hồ và đó là hồ chính. Bởi vì, hồ nhỏ 25m bên cạnh dành cho việc thả lỏng không thể trưng dụng do cần vận hành hệ thống gas làm nóng nước vì chúng tôi không đủ kinh phí. Vận hành thêm hồ bơi giúp VĐV được thả lỏng sẽ phải chi phí rất tốn cho gas mà kinh phí thì chỉ có hạn”, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Đặng Hà Việt có mặt ngay tại hồ bơi và chia sẻ dù biết đây là điều bất khả kháng.

Qua tìm hiểu, kinh phí dành cho tổ chức môn bơi, lặn và điền kinh do được diễn ra tại Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) có tổng 1,7 tỉ đồng. Thời tiết tại Hà Nội đang vào mùa lạnh, nhiệt độ luôn ở khoảng 15 độ C nên VĐV cần phải có nước ấm tập luyện, thi đấu và nếu mở thêm hồ nhỏ 25m bên cạnh hồ chính thi đấu là chi phí đội lên. Ngành thể thao không có thêm nguồn kinh phí bổ sung nếu vượt ra ngoài sự phân bổ 1,7 tỉ đồng kia bởi Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 còn 40 môn khác cũng tổ chức thi đấu chứ không riêng bơi, lặn hay điền kinh.

Trên hồ bơi chính, trong buổi sáng, VĐV sau khi thi đấu đã dành thêm thời gian thả lỏng trên hồ. Buổi tối chung kết 12-12. Ngay sau 3 nội dung đầu tiên diễn ra, ban tổ chức đã tạm cho cuộc thi dừng 20 phút để tất cả VĐV được xuống nước thả lỏng. Trực tiếp theo dõi mới thấy, hiếm có giải bơi nào ở cấp quốc gia và lại là Đại hội thể thao toàn quốc thì việc thi đấu phải gián đoạn giữa chừng do cả giải có 1 hồ dùng chung cho thi đấu chính thức và thả lỏng. Với các VĐV, ngay khi vừa kết thúc tranh tài, thông thường họ phải cần thả lỏng ngay ở hồ phụ trợ để tránh bị căng cơ hoặc bị lạnh ảnh hưởng sức khỏe. Hiện tại, điều này là không thể ở giải bơi Đại hội thể thao toàn quốc vì sau khi thi đấu xong nội dung của mình, tất cả đều lên khán đài ngồi chờ cho tới khi có thời gian dừng giữa giờ để VĐV được xuống nước thả lỏng tại...hồ chính.

Không VĐV nào muốn đang thi đấu lại phải dừng để thả lỏng ngay tại hồ bơi chính thay vì có hồ bơi phụ thả lỏng như thông lệ. Ảnh: MINH CHIẾN

Theo đại diện ban tổ chức môn bơi của Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022, việc bất cập này đã được đưa ra ở cuộc họp kỹ thuật trước khi giải khởi tranh và tất cả các đơn vị đều phải chấp nhận điều này dù chẳng ai muốn. Ban đầu, hồ bơi tại Quảng Ninh được dự kiến là nơi sẽ tổ chức các môn thể thao dưới nước của Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 nhưng đơn vị chủ nhà đã không có được trang thiết bị phù hợp nhất nên bơi và lặn phải đưa về Cung thể thao dưới nước Quốc gia tranh tài. Sáu tháng trước, khu hồ bơi này là nơi diễn ra SEA Games 31 và 2 hồ được vận hành hiệu quả nhưng bây giờ vì không đủ kinh phí, cái khó đã bó các VĐV dự Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022.

Tin cùng chuyên mục