PV: Dưới cái nhìn tổng thể, ông đánh giá thế nào về kết quả của thể thao Việt Nam cũng như những quốc gia khác tại SEA Games 29-2017?
- Ông Nguyễn Hồng Minh: SEA Games năm nay diễn ra tại Malaysia, tôi thấy tổng quát thế này, chủ nhà đã chuẩn bị cơ sở vật chất tốt cho kỳ đại hội cao nhất của khu vực. Bỏ qua những chuyện về trọng tài hay một số trục trặc về xe cộ đã được phản ánh, chúng ta thấy thái độ của chủ nhà hết sức kỹ lưỡng. Nó thể hiện rằng, cơ sở vật chất đáp ứng đủ tiêu chí hiện đại. Mặt yếu nhất ở quá trình chuẩn bị chính là thông tin về nơi tổ chức, cơ sở vật chất nhưng tại SEA Games năm nay, quốc gia chủ nhà Malaysia làm tốt điều này và các trang thiết bị đã được truyền hình trực tiếp tự phản ánh vấn đề trên. Tôi đơn cử sân vận động chính tổ chức điền kinh rất trang trọng, hoành tráng còn nơi tổ chức môn bơi, thể dục, cử tạ, các môn võ cũng tương tự. Việc chủ nhà tổ chức một số môn thể thao Olympic xa lạ (đua ngựa), kể cả môn Olympic mùa đông (trượt băng nghệ thuật, tốc độ) cho thấy khả năng chuẩn bị của bạn rất tốt.
Trong chuyên môn, từ sau SEA Games 28-2015, đấu trường thể thao Đông Nam Á đã có nhiều màu sắc mới để nâng cao trình độ, cục diện của bản đồ thể thao. Mạnh mẽ nhất vẫn là Thái Lan. Thái độ của thể thao Thái Lan thi SEA Games vẫn đẳng cấp. Họ luôn chủ động, bình thản. Singapore rất tiến bộ sau SEA Games 28-2015 dù trước đó luôn xếp hạng 5, 6 chung cuộc. Thể thao Singapore mạnh ở bơi lội, bóng bàn và một số môn. Đặc biệt, VĐV điền kinh, môn võ thuật của bạn tiến bộ đáng kể. Thể thao Indonesia, Philippines, Myanmar... có vẻ cho thấy chưa quá chú trọng tranh giành HCV ở SEA Games dù trong những lần bạn làm chủ nhà đều quyết tâm đứng nhóm đầu. Điều này phản ánh tình hình, truyền thống của thể thao Đông Nam Á.
Về chúng ta, sức mạnh của thể thao Việt Nam vẫn là ở tốp đầu và phản ánh sự chuẩn bị rất quan trọng. Chúng ta tốt trong chuẩn bị không phải một lúc có ngay, điều này dần chuyên nghiệp sau một thời gian dài định hướng đặc biệt vào môn Olympic từ lãnh đạo của ngành. Thắng lợi lần này của các môn quan trọng như bơi, điền kinh, đấu kiếm, cử tạ, thể dục... phản ánh nếu chuẩn bị tốt thì sẽ thành công và không bị bấp bênh. Trên thực tế, chúng ta thấy rằng, không có gì phải buồn nếu không ở tốp 3 vì so sánh với những SEA Games trước, nền thể thao Việt Nam có nhiều chuyển hướng tích cực, đặc biệt là môn quan trọng của châu Á, thế giới. Tôi nghĩ cần phải thoát khỏi sự lệ thuộc cứ nhất thiết phải trong tốp 3 tại SEA Games vì mục tiêu quan trọng phải là Asian Games, Olympic.
Theo quan điểm của ông, chương trình thi đấu SEA Games nên tập trung môn thuộc Asian Games, Olympic hay vẫn cần hài hòa có môn thể thao của khu vực?
- Cách nhìn của tôi thế này: Về quản lý thể thao, Liên đoàn thể thao Đông Nam Á phải có sự điều chỉnh lại luật lệ tổ chức thi đấu. Cần hướng vào nhóm môn Olympic. Phần nào đó chỉ phát huy số nhỏ các môn thể thao đặc thù ở từng quốc gia khi thi đấu. Nhưng, không thể dùng cái đó làm phương tiện, gây trở ngại cho những đội thể thao quốc gia trong khu vực khi dự SEA Games. Nếu chỉ mang số môn thể thao đặc thù mà không phổ cập tại Đông Nam Á ra tổ chức SEA Games, rõ ràng thiếu sự “chơi đẹp”.
Tất nhiên, từng nước phải dựa trên điều lệ để đề xuất hướng đi cho mình khi thi đấu, tổ chức SEA Games và không lệ thuộc vào nó. Nếu bỏ đi các nội dung phổ cập nhất mà chỉ đưa vào thi đấu những nội dung riêng của mình thì không thể phản ánh trình độ thực tế. Như vậy, bảng xếp hạng sẽ không chính xác. Cuộc chơi SEA Games ngoài giao lưu, học hỏi cũng để tích lũy kinh nghiệm và không thể bỏ được đồng thời thấy mình yếu-mạnh ra sao để phát huy, khắc phục.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng thành tích của VĐV Việt Nam tại Asian Games 2018 và Olympic 2020 tới đây?
- Qua SEA Games 29-2017, một số môn chúng ta có thể tin tưởng tại Asian Games như điền kinh, TDDC, cử tạ, đấu kiếm, bơi với Ánh Viên (trong nội dung cụ thể). Như vậy, trình độ của SEA Games và Asian Games khác nhau. VĐV ưu tú nhất phải được đầu tư quan trọng mới đạt được thành công. Tôi nghĩ, Aisan Games 2018, chúng ta có triển vọng cao. Tại Asian Games 2018, môn pencak silat được đưa vào, VĐV của Việt Nam có khả năng tranh HCV. Kể cả chủ nhà Indonesia có thể không công bằng thì võ sỹ Việt Nam trong môn pencak silat vẫn rất triển vọng tại Asian Games. Với Olympic, thời gian còn xa và trình độ cách xa. Việc giành huy chương vẫn là bài toán khó giải. Việc chuẩn bị rất kỹ lưỡng mới ăn thua. Làm thể thao không thể thấy có huy chương rồi mới làm mà sự chuẩn bị phải theo chương trình dài lâu.