Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn: Bóng đá nữ sẽ được đầu tư nhiều hơn

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vừa khép lại hành trình lịch sử tại vòng chung kết World Cup nữ 2023.  Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn đã có những chia sẻ thẳng thắn cùng PV Báo SGGP.
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vừa khép lại hành trình lịch sử tại vòng chung kết World Cup nữ 2023. Ngay sau khi trở về nước, đội chuẩn bị cho mục tiêu mới tại đấu trường châu Á và vòng loại Olympic. Với những nhà quản lý bóng đá thì lại bắt đầu những lo toan cho lộ trình kế tiếp. Đó là duy trì những gì đang có để làm tiền đề xây dựng lộ trình vững chắc cho tương lai. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn đã có những chia sẻ thẳng thắn cùng PV Báo SGGP.

- Phóng viên: Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vừa tạo cột mốc lịch sử khi lần đầu tham dự vòng chung kết World Cup 2023. Với cương vị là Chủ tịch VFF, cảm xúc của cá nhân ông những ngày qua thế nào?

- Ông Trần Quốc Tuấn: Sự xuất hiện của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tại vòng chung kết (VCK) World Cup vô cùng có ý nghĩa. Đây là niềm tự hào rất lớn của thể thao Việt Nam, sau đội tuyển Futsal và đội U20 Việt Nam. Chúng ta vinh dự khi ở sân chơi đẳng cấp như World Cup, quốc ca Việt Nam đã vang lên. Có thể khẳng định đây như một niềm tự hào không chỉ đối với các VĐV mà còn của tất cả người dân Việt Nam. Qua các trận đấu, chúng ta thấy sự nỗ lực, kiên trì của các cầu thủ cũng như khắc phục tối đa những hạn chế về thể hình và chuyên môn. Trước các đối thủ rất mạnh, các cầu thủ đã thể hiện được tinh thần thi đấu được bạn bè quốc tế công nhận. Việc xuất hiện ở VCK World Cup giúp giới thiệu hình ảnh Việt Nam đến bạn bè thế giới.

Lứa cầu thủ U20 nữ Việt Nam hiện tại sẽ được đầu tư nhiều hơn

Lứa cầu thủ U20 nữ Việt Nam hiện tại sẽ được đầu tư nhiều hơn

- Ông có thể chia sẻ quá trình chuẩn bị của VFF như thế nào để tạo được hành trình rất thuận lợi cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam trong thời gian qua?

- Ngay sau khi chúng ta vượt qua VCK châu Á ở Ấn Độ vào tháng 1-2022 thì Thường trực VFF cũng như Ban Chấp hành VFF đã giao bộ phận điều hành, kết nối chặt chẽ với Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), nắm bắt thông tin, yêu cầu để khi tham dự giải đấu sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất. Có hai sự chuẩn bị, một là vấn đề chuyên môn thì chúng ta đã lên kế hoạch tập huấn hết sức chi tiết từ ngay sau khi giành được vé tham dự VCK World Cup từ VCK châu Á. Kế hoạch này được đẩy nhanh, tốc độ cũng như là rất chi tiết. Bên cạnh đó, chuyến tập huấn tại Nhật Bản đã được tính toán vào thời điểm như thế nào, việc này đã được HLV trưởng, các bộ phận chuyên môn cùng với hội đồng HLV có những xem xét phản biện trước khi chúng ta hiện thực hóa nó.

Thứ hai, làm sao chúng ta đi tham dự giải đấu lớn, tuân thủ được những quy định của FIFA. World Cup là sự kiện có thể nói rất chuyên nghiệp từ hình ảnh, truyền thông, hậu cần đến chuyên môn. Chính vì vậy, các cán bộ chuyên môn của VFF đã phải làm việc với các chuyên gia FIFA để nắm bắt thông tin, từ đó phổ biến cho đội cũng như tiến hành các cuộc khảo sát sân bãi, cảnh quan khách sạn, kiểm tra thời gian thời tiết, các vấn đề về địa điểm để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. Khi cầu thủ đến, chúng ta có sự thích nghi ngay.

Một điều nữa, chúng tôi tạo điều kiện cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lên đường dự VCK World Cup sớm. Bởi việc thích nghi thời tiết là rất quan trọng. Thời tiết châu Á rất nóng, trong khi đó ở Australia và New Zealand đang mùa đông. Việc đi trước 3 tuần và có trận giao hữu với New Zealand, Tây Ban Nha cũng là việc thi đấu trong môi trường mới giúp cầu thủ thích nghi một cách tốt nhất.

- Thời kỳ hậu World Cup nữ 2023, VFF đã có những tính toán gì cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, nhất là khi nhiều cầu thủ ở ngoài tuổi 30, không loại trừ khả năng họ sẽ sớm nghỉ thi đấu? VFF đã chuẩn bị ra sao cho tuyến kế thừa?

- Chúng ta chuẩn bị từ rất lâu rồi. Những năm vừa qua, các đội U17 và U20 được đầu tư về mọi mặt để tham dự các giải châu Á. Sắp tới, đội tuyển nữ Việt Nam là một trong số ít của Đông Nam Á dự VCK châu Á tại Uzbekistan năm sau. Lứa U20 hiện nay có một số cầu thủ triển vọng về tư duy chơi bóng, chiến thuật, thể hình. Ở cả U17, U20 đã có những gương mặt có thể nhìn thấy những phiên bản của các đàn chị. Chúng ta sẽ tiếp tục đầu tư và hy vọng tại VCK châu Á sắp tới những gương mặt mới sẽ trưởng thành hơn để góp mặt vào đội hình đội tuyển quốc gia cho chặng đường tiếp theo, cũng như để hướng tới kỳ World Cup kế tiếp. Lần đầu dự VCK World Cup rất đáng mừng, nhưng làm sao để duy trì nó thì còn thách thức rất lớn và cần đầu tư hơn nữa cho bóng đá nữ trẻ.

- Thời gian qua, VFF đã mở thêm giải bóng đá nữ Cúp quốc gia giúp các cầu thủ có thêm số trận đấu để cọ xát. Nhưng dường như điều đó vẫn chưa đủ để có thể xây dựng một hệ thống giải vô địch quốc gia vững mạnh. Vậy VFF có những tính toán, kế hoạch cụ thể gì?

- Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác, bóng đá nữ vẫn còn rất khó khăn, thu hút tài trợ còn hạn chế. Nhưng không phải thấy khó chúng ta không làm. VFF chủ trương cân đối để làm sao duy trì hệ thống thi đấu ổn định và thậm chí phát triển hơn. Chúng ta cần có đơn vị đồng hành thường xuyên. Qua các sự kiện, quá trình thực hiện thì rõ ràng sự thu hút tài trợ cho bóng đá nữ còn nhiều khó khăn. Có thể họ chỉ gắn bó 1 năm hoặc thời gian ngắn. Để có được sự bền vững thì VFF đã thuyết phục một số đối tác đồng hành đầu tư cho bóng đá nữ. Sự ổn định thể thức thi đấu cho thấy sự đồng hành đang ngày càng vững bền. Có thể kết quả mà ta chưa đạt được như mong muốn, nhưng phần nào cho thấy nỗ lực của chúng ta đang nhận được sự đầu tư đồng hành.

- Ông có kỳ vọng là sau VCK World Cup 2023, bóng đá nữ Việt Nam sẽ có thêm được nhiều sự chung sức từ xã hội như bóng đá nam đã và đang đạt được? Đơn cử như hiện tại chỉ có 5 địa phương xây dựng được đội tuyển nữ, liệu sắp tới sẽ nhiều hơn?

- Như đã nói, bóng đá nữ ở nhiều quốc gia còn hạn chế, khó khăn, thậm chí hệ thống giải đấu cũng không được duy trì. Như Philippines, đội tuyển quốc gia của họ trong khu vực Đông Nam Á được đánh giá là đội bóng mạnh nhưng giải vô địch quốc gia của họ có năm thậm chí không tổ chức. Trong quá trình tìm tòi, học hỏi khắp nơi, chúng tôi nhận thấy có Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia có hệ thống giải đấu tốt, phù hợp với môi trường bóng đá Việt Nam. Hiện chúng tôi cũng đã bắt tay nghiên cứu hệ thống thi đấu làm sao để có cả môi trường cho bóng đá trẻ nữ.

Từ năm 2015, VFF mạnh dạn đầu tư cho giải U15, U19 nữ để có thể xây dựng lực lượng cho các đội tuyển trẻ U15, U19. Từ những thế hệ trẻ, chúng ta xây dựng từng bước để hướng tới World Cup 2027. Hiện VFF đã có chuyên gia Nhật Bản Akira Ijiri đi tuyển trạch ở khắp các nơi, thậm chí vùng sâu vùng xa không ai biết. Ở các cấp đội tuyển hiện tại cũng có nhiều cầu thủ đến từ những nơi không có phong trào bóng đá. Qua những sự kiện vừa rồi, chúng tôi mong muốn các mạnh thường quân, nhà tài trợ sẽ cùng chúng tôi xây dựng hệ thống thi đấu tốt, ổn định cho bóng đá nữ.

Tin cùng chuyên mục