Bóng đá nữ cần thêm sự chung sức

Năm 2001, khi có ý tưởng trao giải Quả bóng vàng nữ, Ban tổ chức Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam là Báo SGGP phải đối diện với nhiều câu hỏi khó, mà vấn đề lớn nhất là khả năng phát triển lâu dài của môn chơi này.
Tuyển thủ Thanh Nhã (trái) tranh chấp bóng với cầu thủ Bồ Đào Nha ở VCK World Cup nữ 2023
Tuyển thủ Thanh Nhã (trái) tranh chấp bóng với cầu thủ Bồ Đào Nha ở VCK World Cup nữ 2023

Thời điểm đó, ngay bảng xếp hạng FIFA cũng chỉ có khoảng 50 đội tuyển nữ. Quyết tâm ngày ấy của những nhà tổ chức cuối cùng cũng cho quả ngọt. Niềm tin vào bóng đá nữ đã được đáp đền xứng đáng. Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam cũng tự hào khi có thể là sự kiện duy nhất trên thế giới mà cầu thủ nữ được nhận phần thưởng công bằng như bóng đá nam, bao gồm các hạng mục bầu chọn và tiền thưởng.

Niềm tin này cần được nhân rộng, đặc biệt là từ khi bóng đá nữ Việt Nam giành vé dự VCK World Cup. Thực tế thì các cô gái đá bóng của chúng ta vẫn có nhiều thiệt thòi khi các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư còn hạn chế. Các CLB nữ hiện nay trực thuộc địa phương, nghĩa là trong tình trạng bao cấp. Các nguồn thu nhập lớn nhất của cầu thủ nữ đến từ việc lên tuyển quốc gia và thi đấu thành công ở SEA Games, AFF Cup…

Công bằng mà nói, mô hình tài chính của bóng đá nam khó áp dụng cho bóng đá nữ do các quyền lợi “trả lại” cho doanh nghiệp khá hạn chế, dẫn đến nguồn tài trợ khó cao. Phương án khả thi nhất vẫn là “trói trách nhiệm” cho các CLB nam, hoặc vận động thành lập những quỹ tài chính theo hình thức cộng đồng, phi lợi nhuận từ xã hội như cách FIFA tài trợ cho các dự án tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng cần sự chung tay của những cổ động viên bóng đá với việc đến sân xem các trận đấu của bóng đá nữ, ủng hộ họ thông qua mạng xã hội, tạo cơ hội để bóng đá nữ tiếp cận được những nguồn tài trợ lớn và lâu dài hơn.

Tin cùng chuyên mục