Điều thành công của đội tuyển Việt Nam là thể hiện được tinh thần thi đấu, sự nỗ lực, không tự ti khi so tài với các đối thủ mạnh. Bởi ai cũng lường trước khó khăn là ngay ở lần đầu bước ra “biển lớn”, tuyển Việt Nam đã cùng bảng với đương kim vô địch Mỹ và đương kim á quân Hà Lan.
Lúc này nên tính đến những việc của ngày mai. Chúng ta đã đạt đến đỉnh rồi, và đây là thời điểm tính toán, bàn bạc để duy trì ở tầm này đặng tiến bước. Bóng đá cứ như chu kỳ vậy, một khi đến đỉnh rồi thì sẽ chỉ đi ngang và không ít thế hệ phải đi xuống.
Để tiếp tục cuộc hành trình như hiện nay, tôi nghĩ là cần qua 2 bước. Đầu tiên là đầu tư cho đội tuyển và các tuyến trẻ. Những đội này nên luôn được duy trì tập luyện, tập huấn ở nước ngoài, nhất là ở đội tuyển quốc gia đang có nhiều cầu thủ qua độ tuổi 30 mà khả năng sẽ sớm giã từ đội tuyển. Vì thế cần có sự chuẩn bị tuyến kế thừa. Tiếp đến là một chiến lược phát triển thật mạnh mẽ, trong đó có bóng đá phong trào. Hiện nay cả nước chỉ có 5 địa phương xây dựng đội tuyển nữ tham dự giải vô địch quốc gia, con số đó quá ít. Thiết nghĩ, VFF phải phối hợp với Bộ VH-TT-DL phát huy nhiều nguồn lực để phát triển, mở rộng hệ thống bóng đá nữ.
Nhưng nói gì thì nói, muốn làm được chiến lược đường dài như trên, hay bất kỳ điều gì để duy trì, phát triển thì phải có nguồn lực từ xã hội. Từ cột mốc mà đội tuyển nữ Việt Nam vừa đạt được ở World Cup 2023, rất cần sự chung sức, đồng hành của toàn xã hội. Không chỉ ở bóng đá nữ mà kể cả thể thao nữ trong thời gian qua có nguồn lực rất tốt. Vì vậy, Bộ VH-TT-DL cũng cần có chiến lược chứ một mình VFF sẽ khó gồng nổi các khoản chi phí. Thực tế là: muốn làm gì, muốn vận hành chiến lược thế nào, lộ trình ra sao… thì phải có tiền.