Chạy đua tìm vé Olympic

Tháng 5 và tháng 6 là thời điểm nước rút của thể thao Việt Nam trong việc tìm thêm suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Quyền Anh, bắn cung, judo và điền kinh là những môn giữ trách nhiệm này.

Đội tuyển điền kinh Việt Nam được kỳ vọng sẽ giành 1 suất Olympic. Ảnh: MINH MINH
Đội tuyển điền kinh Việt Nam được kỳ vọng sẽ giành 1 suất Olympic. Ảnh: MINH MINH

Vừa qua, đội tuyển điền kinh Việt Nam gây ấn tượng với 1 HCV và 3 HCĐ tại giải Vô địch tiếp sức châu Á 2024 tại Thái Lan. Dù bảo vệ được ngôi vô địch châu Á, đáng tiếc đội hình tiếp sức 4x400m nữ Việt Nam vẫn chưa thể giành suất tham dự Olympic Paris, mục tiêu chính của chuyến du đấu lần này.

Theo quy định của Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF), 16 suất dự Olympic sẽ được trao cho 16 đội tiếp sức nữ 4x400m có thứ hạng tốt nhất trên bảng xếp hạng. Hiện đã có 14 quốc gia giành vé chính thức dự Thế vận hội. Như vậy, chỉ còn 2 suất giành cho các quốc gia còn lại.

Với thành tích 3 phút 30 giây 81, Nguyễn Thị Ngọc, Quách Thị Lan, Hoàng Thị Minh Hạnh và Nguyễn Thị Hằng đã xô ngã kỷ lục quốc gia cũ là 3 phút 31 giây 46 (lập tại Singapore năm 2015), đưa tuyển 4x400m nữ Việt Nam tăng hạng 27 thế giới. Nếu muốn chắc chắn giành vé Olympic, đội tuyển Việt Nam sẽ phải vượt qua được 2 đội đang đứng ở vị trí thứ 15, 16 trên bảng xếp hạng lần lượt là đội tiếp sức Cuba (3 phút 26 giây 08) và đội Nigeria (3 phút 27 giây 29).

Cơ hội cải thiện thành tích và giành vé Olympic cho đội tiếp sức nữ Việt Nam vẫn còn với 2 lần thi đấu tại giải điền kinh Đài Bắc Trung Hoa mở rộng (từ ngày 30-5 đến 3-6) và giải điền kinh Thái Lan mở rộng (từ ngày 14 đến 17-6).

1000001954.png
Đỗ Thị Ánh Nguyệt là gương mặt trọng điểm của bắn cung Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tương tự, đội tuyển bắn cung Việt Nam cũng còn cơ hội tranh tài ở 2 giải đấu quan trọng nằm trong hệ thống tính điểm cạnh tranh trực tiếp giành vé Olympic Paris 2024. Đầu tiên, đội tuyển sẽ tham dự giải thế giới World Cup 2024 diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 21 đến 26-5. Đây là giải đấu nằm trong hệ thống tích điểm của Olympic, nội dung cung 1 dây.

Dự giải gồm 8 VĐV là Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Thị Thanh Nhi, Lộc Thị Đào và Triệu Huyền Diệp (nữ), Nguyễn Duy, Hoàng Văn Lộc, Nguyễn Minh Đức, Lê Quốc Phong (nam). Tiếp đó, đội tuyển sẽ dự giải tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6. Dự kiến, vé Olympic được trao ở các nội dung đồng đội (lấy thứ hạng nhất, nhì, ba), còn nội dung đơn, đôi (lấy thứ hạng nhất, nhì) ở nội dung cung 1 dây.

Đội tuyển quyền Anh Việt Nam sẽ dự vòng loại Olympic cuối tại Thái Lan vào cuối tháng 5. Để chuẩn bị cho giải đấu, đội tuyển được tạo điều kiện tập huấn tại Thái Lan với 12 tuyển thủ. Để tăng cơ hội giành thêm suất, ban huấn luyện tính toán cử VĐV thi đấu ở những hạng cân nhỏ (50, 60kg) để có khả năng cạnh tranh với các VĐV mạnh khác.

Bên cạnh việc chạy đua tìm kiếm thêm suất tham dự Olympic Paris 2024, thể thao Việt Nam cũng chú trọng đến công tác chuẩn bị cho các gương mặt đã đoạt vé. Trong tháng 5, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đã trở lại Hungary tập huấn và nhận sự hỗ trợ từ các chuyên gia tại câu lạc bộ BVSC.

Ở bộ môn bắn súng, 2 xạ thủ Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền sẽ được tạo điều kiện tham dự một số giải đấu tầm cỡ thế giới, tập huấn ở Hàn Quốc và châu Âu để trui rèn bản lĩnh. Đội tuyển bắn súng Việt Nam cũng cử cán bộ tiền trạm đến Pháp tham quan địa điểm thi đấu, giúp các VĐV có sự chuẩn bị tốt nhất.

Tin cùng chuyên mục