Từ khi AFF Cup ra đời nhằm tạo sân chơi, gia tăng trình độ cho các đội bóng đẳng cấp thấp ở Đông Nam Á, đã đến lúc người ta nên suy nghĩ lại…
Vì rất nhiều lý do, đội tuyển Brunei ít khi tham dự AFF Cup. Nhưng cứ mỗi lần tham gia, họ lại để thua rất đậm. Ở lần góp mặt thứ 2 này, Brunei lần lượt thua Thái Lan 0-5, thua Philippines 1-5 và gần đây thua Indonesia 0-7. Trong lần duy nhất dự AFF Cup trước đó (năm 1996), Brunei từng thắng được Philippines 1-0, dù sau đó để thua Singapore 0-3, thua Thái Lan 0-6 và thua Malaysia 0-6. Những kết quả nói trên hoàn toàn không tốt cho sự phát triển bóng đá Đông Nam Á nói chung.
Ở World Cup 2022, khi trình độ và khoảng cách đẳng cấp giữa các đội bóng đã được thu hẹp đáng kể, vẫn xuất hiện những kết quả chênh lệch, khi các đội bóng mạnh thắng đậm các đội yếu hơn, như Anh thắng Iran 6-2, Tây Ban Nha đánh bại Costa Rica 7-0. Nhưng đó chỉ là những “tai nạn” và các đội bóng thua trận đã đá tốt hơn trong những trận sau đó…
Tại AFF Cup, chuyện không như vậy. Các đội bóng yếu rất non trình độ ở các kỳ giải trước và không có gì thay đổi khi quay trở lại ở kỳ giải sau. Với Brunei, việc để thua 0-5, 0-6, thậm chí 0-7 chẳng giúp ích được gì cho bóng đá nước nhà. Thậm chí, các đội bóng đánh bại họ với tỷ số chênh lệch như vậy cũng chẳng nhận được bài học gì ngoài việc chạy đua với nhau về hiệu số bàn thắng bại.
Mới đây, đội bóng thuộc hàng khá của Đông Nam Á là Philippines đã thua Thái Lan đến 4 bàn không gỡ. Kết quả này càng cho thấy sự phân tầng rõ rệt của bóng đá Đông Nam Á. Việt Nam và Thái Lan là 2 đội bóng thuộc đẳng cấp khác biệt, từng dự vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á, vì từng va chạm thường xuyên với các nền bóng đá mạnh của châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Arabia Saudi, Iran, Qatar…
Với Việt Nam và Thái Lan, tham dự AFF Cup để làm gì khi mà tính tranh đấu hầu như chỉ diễn ra từ vòng bán kết. Không phải ngẫu nhiên đã có những đề xuất cho các đội tuyển trẻ Việt Nam như lứa U21 dự AFF Cup để cọ xát, chuẩn bị tương lai, còn đội lớn đi đấu ở những giải châu Á và vòng loại thế giới.
Việt Nam có thắng Lào 6-0 hay Indonesia có thắng Brunei 7-0, thì bóng đá của hai nước vẫn cần những thước đo phát triển khác, chẳng liên quan gì đến AFF Cup. Một giải đấu có mục đích kéo gần trình độ, nhưng trình độ giữa các làng bóng lại càng lúc càng mở rộng là lúc để Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á tính đến chuyện cải cách thể thức thi đấu, lựa chọn đội bóng tham gia, nới giãn lịch trình, tạo ra tính cạnh tranh mới lạ hấp dẫn hơn và hiệu quả hơn. Khi đó mới có thể tạo ra thay đổi khác biệt cho cả khu vực.