Những năm đầu thập niên 1990, bóng đá Cần Thơ có thể nói là phát triển mạnh, nhưng nôm na là tự phát với lực lượng cầu thủ được gom góp từ nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương khác nhau. Việc trả lương, chế độ cho cầu thủ cũng do các cơ quan chủ quản thực hiện, trong khi sân bãi tự nhiên rất nhiều là điều kiện thuận lợi để bóng đá phát triển.
Khi bóng đá chuyển dần theo hướng chuyên nghiệp, đòi hỏi phải có sự đầu tư bài bản về mọi khía cạnh từ tài chính, sân bãi, đến nhân lực... thì Cần Thơ nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung không theo kịp xu hướng này. Các tỉnh ĐBSCL hiện tại thiếu những doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính để có thể là một “ông bầu” bảo trợ cho bóng đá, nên hầu hết đều dựa vào nguồn ngân sách nhà nước.
Với bóng đá Cần Thơ, thật lòng là một nỗi đau khi không còn bản sắc, không có con người Cần Thơ trong đội tuyển của thành phố. Một đội bóng của địa phương thì ít gì cũng phải có 50% lực lượng là người của mình. Thế nhưng, với nguồn tài chính khá dồi dào vài năm qua, đội Cần Thơ chỉ có mua sắm cầu thủ tham dự các giải chuyên nghiệp, còn lực lượng tại chổ gần như không có.
Nhìn qua Đồng Tháp, có thể đội bóng này khó khăn về tài chính, nhưng lực lượng trẻ kế thừa luôn dồi dào. Điều đó cho thấy rằng bóng đá ĐBSCL hoặc thiếu hệ thống đào tạo trẻ bài bản, hoặc thiếu thốn tài chính, hoặc là cả hai yếu tố này, dẫn đến sự trì trệ, không thể phát triển mạnh.
Theo tôi, để có sự phát triển bóng đá bền vững lâu dài, các địa phương trong vùng cần có một phương thức hợp tác về đào tạo bóng đá trẻ hay một giao ước về đầu tư cho bóng đá. Có như thế, bóng đá các địa phương ở ĐBSCL mới có được nguồn đầu tư căn cơ, ổn định, trước khi tìm được doanh nghiệp đủ tiềm lực, mê bóng đá đến với mình.