Cải tổ mạnh mẽ các liên đoàn, hiệp hội thể thao

Là các tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhưng không phải liên đoàn hay hiệp hội thể thao nào ở Việt Nam cũng tạo dựng được uy tín và “ăn nên làm ra” như bóng đá hay quần vợt, dù có thể số lượng người hâm mộ các môn bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn… khá đông đảo. Tính hiệu quả vẫn được cho là đích ngắm mà hầu hết liên đoàn, hiệp hội thể thao phải nỗ lực hướng đến.
Bộ môn điền kinh chủ yếu dựa vào nguồn lực nhà nước chứ không phải từ liên đoàn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Bộ môn điền kinh chủ yếu dựa vào nguồn lực nhà nước chứ không phải từ liên đoàn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Giấc mơ bóng đá

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có nguồn thu lên đến hơn 200 tỷ đồng trong năm 2020 và tăng thêm khoảng 50 tỷ đồng trong năm 2021, theo báo cáo tài chính của VFF. Kết quả đó hết sức khả quan trong bối cảnh trong 2 năm qua dịch Covid-19 hoành hành, làm giảm đi sức nóng của bóng đá cũng như từ nhà đầu tư. Những gì mà VFF đã và đang làm, vẫn cho thấy đây là liên đoàn đi tiên phong và thật khó để các liên đoàn hay hiệp hội thể thao khác đuổi kịp.

Hiện có rất nhiều môn thể thao đã thành lập liên đoàn hay hiệp hội (bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, bóng bàn, bắn súng, xe đạp - mô tô, taekwondo, judo…), song tính hiệu quả vẫn khá phập phù, nếu không muốn nói là luôn trong cảnh “ăn đong” vận động tài trợ cho từng giải đấu và sự kiện. Thậm chí, so với các liên đoàn, hiệp hội thành lập sau và chủ yếu mang tính giải trí như golf, thể thao điện tử (eSports), VMMA, những liên đoàn giàu truyền thống kể trên còn kém xa về “sức sống”, tức nguồn kinh phí xã hội hóa được vận động để phục vụ chính hoạt động của tổ chức xã hội nghề nghiệp đó.

Với số doanh thu rất thấp của một số liên đoàn như điền kinh, cầu lông, bắn súng, cờ, cử tạ - thể hình… (từ 1-5 tỷ đồng/năm) đủ thấy ngành TDTT từ trung ương tới địa phương phải vất vả ra sao để lo nguồn kinh phí thường xuyên phục vụ công tác đào tạo VĐV và chu cấp cho các đội tuyển quốc gia đi tranh tài ở nước ngoài.

Khi thành lập các liên đoàn, hiệp hội, yếu tố quan trọng nhất vẫn là vận động, mời càng nhiều doanh nhân, doanh nghiệp yêu thích và quan tâm đến thể thao tham gia càng tốt. Qua đó vừa để gây dựng uy tín và hình ảnh, vừa tranh thủ nguồn kinh phí để hoạt động, trao thưởng động viên cho các đội tuyển, VĐV ưu tú.

Nhưng đa số liên đoàn, hiệp hội đều có các quan chức của ngành TDTT nắm giữ những vị trí trọng yếu (hoạt động kiêm nhiệm), đôi khi chi phối mọi hoạt động của tổ chức xã hội nghề nghiệp. Thế nên mới có cảnh, nhiều liên đoàn, hiệp hội mỗi năm lại chia tay một vài ủy viên, thậm chí là phó chủ tịch, tổng thư ký, trưởng ban… vì lý do “khó hợp tác và làm việc suôn sẻ với các quan chức ngành TDTT”.

Từ khó hợp tác dẫn đến chuyện bỏ bê, rút lui và phó mặc cho liên đoàn, hiệp hội tự hoạt động trong tình trạng thiếu nguồn lực từ xã hội, thì các tổ chức này mờ nhạt dần cũng là điều dễ hiểu. Điều này từng xảy ra tại các liên đoàn bóng chuyền, bóng bàn, điền kinh, bóng rổ, cầu lông…

Ăn đong kéo dài

Sau 15 năm Luật TDTT được ban hành (năm 2006) và 12 năm Đề án chuyển giao hoạt động tác nghiệp cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp thể thao được triển khai (năm 2010), không ít các liên đoàn và hiệp hội vẫn đang hoạt động mờ nhạt, đôi khi phức tạp hơn trước đây.

Đấy là lý do hồi tháng 9 năm ngoái, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL cùng giới chức Tổng cục TDTT phải đối thoại trực tiếp với đại diện các liên đoàn, hiệp hội thể thao để đánh giá thẳng thắn về những tồn tại, thiếu sót trong hoạt động của các tổ chức xã hội nghề nghiệp này. Thực tế là trong số hơn 40 liên đoàn và hiệp hội do bộ quản lý, rất ít nơi tự chủ được kinh phí hoạt động, đa số dựa vào sự hỗ trợ từ ngành TDTT. Chưa kể, việc thành lập liên đoàn, hiệp hội thể thao cho có là tình trạng có thật.

Một số liên đoàn bị đánh giá là “hoạt động chỉ mang tính hình thức, nhiều thành viên ban chấp hành thường xuyên vắng mặt và không tham gia đóng góp ý kiến để phát triển liên đoàn. Ngoài ra, nhiều liên đoàn, hiệp hội thể thao không kiểm soát chặt chẽ việc kết nạp hội viên, dẫn đến sự lộn xộn trong hoạt động”. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương đã chỉ đạo Tổng cục TDTT rà soát lại toàn bộ hoạt động liên đoàn, hiệp hội thể thao, trước khi đưa ra giải pháp khả thi để gỡ khó cho các liên đoàn, hiệp hội. 

Thế nhưng đến nay, sau gần 1 năm, tình thế vẫn chưa tiến triển theo hướng tốt hơn. Các liên đoàn, hiệp hội thể thao vẫn “thở dài thườn thượt” khi đề cập đến vấn đề tạo nguồn kinh phí để hoạt động và chăm lo cho các đội tuyển quốc gia, thưởng khích lệ cho VĐV xuất sắc của mình khi thi đấu và giành thành tích cao ở sân chơi trong nước lẫn quốc tế.

Hôm 30-6, Đại hội nhiệm kỳ 7 của Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội, và phải đến ngày cuối mới chốt được chức danh chủ tịch, phó chủ tịch hay tổng thư ký, sau khi giới truyền thông nhiều lần đề cập đến vấn đề “bằng mặt mà không bằng lòng” trong nội bộ quản lý nhiệm kỳ 6. 

Điều khiến người trong giới bắn súng quốc gia bất ngờ chính là sự rút lui của 2 nhân vật từng tạo nên câu chuyện lịch sử không chỉ cho bắn súng, mà cho cả thể thao Việt Nam, là bà Nguyễn Thị Nhung (Tổng Thư ký nhiệm kỳ 6), Hoàng Xuân Vinh (ủy viên, VĐV từng giành 1 HCV và 1 HCB tại Olympic 2016). Trong số 51 ủy viên được bầu chọn, không có bất cứ đại diện nào của bắn súng thể thao Quân đội, đơn vị được cho là chủ lực của cả nền bắn súng nước nhà xưa nay.

Tin cùng chuyên mục