Từ những tuyên bố của AVG

Các CLB và người hâm mộ ở đâu?

Sau một thời gian im lặng, đợi đến khi có kết luận thanh tra hợp đồng với VFF, Công ty Truyền thông An Viên (AVG) mới bắt đầu lên tiếng bằng một buổi họp báo, qua đó, cho biết họ sẵn sàng đóng góp cho bóng đá Việt Nam toàn bộ lợi nhuận của mình thu được thông qua hoạt động bán bản quyền truyền hình.

Sau một thời gian im lặng, đợi đến khi có kết luận thanh tra hợp đồng với VFF, Công ty Truyền thông An Viên (AVG) mới bắt đầu lên tiếng bằng một buổi họp báo, qua đó, cho biết họ sẵn sàng đóng góp cho bóng đá Việt Nam toàn bộ lợi nhuận của mình thu được thông qua hoạt động bán bản quyền truyền hình.

Những tuyên bố của AVG thực sự “gây sốc” và có thể khiến những đòi hỏi quyền lợi của VPF trở nên phản cảm. Những gì mà AVG công bố có thể được xem là thiện ý, nhưng nếu đánh giá một cách khách quan, không hẳn cách làm ấy đã đem đến toàn điều tốt đẹp.

Bất kỳ một nền bóng đá chuyên nghiệp nào cũng đều phải dựa trên nền tảng của CLB. CLB có mạnh thì nền bóng đá mới mạnh. Đã qua rồi cái thời bao cấp mà sự vận động của nền bóng đá được dựa vào ngân sách nhà nước hoặc tài trợ. Mỗi CLB chuyên nghiệp phải tự biết cách kiếm tiền, sinh lợi, phát triển và đóng góp lại cho LĐBĐ quốc gia thông qua tài chính hoặc nhân sự cho các đội tuyển quốc gia.

Việc AVG tuyên bố sẽ đóng góp toàn bộ lợi nhuận cho sự phát triển bóng đá nước nhà hẳn nhiên là một điều đáng hoan nghênh nhưng trên thực tế, đấy lại là một chu trình ngược. Không ai có thể thay thế các CLB trong việc đóng góp cho bóng đá nước nhà. Ngay cả vấn đề bản quyền truyền hình, nên hiểu rằng đó là phần đóng góp của các CLB chứ không phải là do VFF “cho” các CLB 50% còn lại 50% VFF được hưởng. VFF chỉ nên là đơn vị đại diện cho các CLB về bản quyền và đóng vai sở hữu. Có như thế thì mới tạo được động lực để các CLB nâng cao chất lượng thi đấu, qua đó, tăng được doanh thu từ truyền hình.

Như chúng tôi từng đề cập, trong cuộc tranh cãi về bản quyền truyền hình, các bên từ AVG, VFF thậm chí cả VPF đều chưa thực sự đứng trên góc độ của các CLB, yếu tố quyết định chất lượng của làng cầu cũng như sự quan tâm của người hâm mộ. Không ai chăm sóc cho người hâm mộ tốt bằng CLB. Họ muốn khán giả đến sân nhiều thì phải đầu tư mạnh, thi đấu tốt. Và như vậy, họ phải được hưởng những quyền lợi tốt nhất để còn tái đầu tư. Theo cách nói của AVG, họ đang đóng góp cho bóng đá Việt Nam, nhưng không ai thấy các CLB hưởng lợi phát sinh ngoài con số đã ký kết. Đây chính là ngòi dẫn làm bùng nổ cuộc chiến truyền hình mà VPF lấy danh nghĩa đại diện quyền lợi các CLB khởi xướng. Đã là bóng đá chuyên nghiệp, là chuyện kinh doanh, không nên sử dụng quá nhiều khẩu hiệu “vì sự phát triển chung” hay “vì người hâm mộ” mà né tránh những xung đột.

Mỗi CLB hiện nay, nếu chia đều chỉ nhận mỗi năm 90 triệu đồng tiền bản quyền truyền hình. Với con số đó, liệu đến bao giờ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sẽ thoát khỏi cảnh các đội bóng, người hâm mộ cứ “thở” bằng túi tiền và sự hứng thú có hạn của các ông bầu hay ngân sách địa phương?

Việt Quang

Tin cùng chuyên mục