Buồn vì đỡ tốn!

Trước lúc lên đường dự Olympic London 2012, lãnh đạo ngành thể thao nước ta công bố mức treo thưởng rất cao cho mỗi huy chương ở thế vận hội. Thưởng theo mức của Ủy ban Olympic quốc gia dĩ nhiên là trong khung, tối đa tương đương 5.000 USD cho huy chương vàng. Còn số tiền tỷ kèm theo là của các nhà tài trợ.

Trước lúc lên đường dự Olympic London 2012, lãnh đạo ngành thể thao nước ta công bố mức treo thưởng rất cao cho mỗi huy chương ở thế vận hội. Thưởng theo mức của Ủy ban Olympic quốc gia dĩ nhiên là trong khung, tối đa tương đương 5.000 USD cho huy chương vàng. Còn số tiền tỷ kèm theo là của các nhà tài trợ.

Phần thưởng “chính ngạch” ngày càng nhỏ so với phần thưởng từ các doanh nghiệp. Đó nên coi là điều mừng, khi sự gánh vác của xã hội cho thể thao đỉnh cao ngày càng có giá trị cao. Cũng nên đưa ra một con số khác để thấy rõ hơn giá trị thưởng. Huy chương vàng Olympic theo mức thưởng cố định nhiều năm qua của thể thao Mỹ là 25.000 USD. Tức là thưởng cho thành tích cao nhất tại Olympic của Việt Nam cao gấp đôi Mỹ, trong khi thu nhập trung bình của Mỹ năm 2011 cao gấp 36 lần thu nhập bình quân ở Việt Nam.

Nhưng treo vậy thôi, chứ chính người treo thưởng cũng biết số tiền ấy sẽ không chạy ra khỏi két. Niềm hy vọng lớn nhất trong số vận động viên Việt Nam dự Olympic London 2012 - Trần Lê Quốc Toàn, cũng không nhắm đến vàng. Kỳ vọng cho Toàn là có huy chương. Nhưng bây giờ thì cuộc thi của Toàn đã kết thúc và anh không thể giật nổi tấm huy chương từ tay của những người mạnh hơn.

Vận động viên phải gánh kỳ vọng lớn và dù cố gắng thật nhiều, họ vẫn chưa đạt tới niềm mong mỏi. Nhà tài trợ sẵn sàng gánh phần nặng nhất về tiền của giải thưởng nhưng họ cũng chưa được gánh. Như vậy, phải chăng những quan chức ngành thể thao sẽ gánh phần lớn nhất? Giả định này là sai, nếu chỉ cần nhìn vào danh sách đi “kèm” trong đoàn thể thao Việt Nam sang London. Chỉ 18/56 thành viên là có tham gia thi đấu. Con số này có thể được diễn dịch theo nhiều khía cạnh nhưng đều không cho thấy đâu là tính hợp lý. Trách nhiệm chính của quan chức thể thao cho các vận động viên phải nằm ở việc chuẩn bị tập luyện, tích lũy… từ vài năm trước, chứ không phải là việc tham gia vỗ tay!

Điều đó cũng cho thấy phần nào bức tranh phân bổ ngân sách thể thao. Phải chăng những khoản “râu ria, đính kèm” luôn chiếm được vị trí ưu tiên so với đầu tư lõi cho phát triển thành tích? Và chuyện đó có “họ hàng” gì với việc ngân sách lại không có cơ hội chi thưởng cho huy chương ở tầm thế giới? Còn hơn cả kỳ vọng với Olympic, môn bóng đá nam xứ ta gần cả chục năm nay luôn được treo thưởng lớn ở những giải đấu khu vực. Tiền thưởng cho chức vô địch từ nguồn tài trợ cho tuyển quốc gia lẫn U.23 đã lên đến mức vài chục tỷ đồng. Tuy vậy, sau năm 2008 đến nay, nhà tài trợ vẫn chưa có vinh dự được… mất tiền.

Cho giấc mộng huy chương vàng, ngân sách nhà nước không tốn tiền, nhà tài trợ cũng thế. Nhưng chính vì không ai phải tốn, mới thấy thật là buồn .

VŨ BÁCH

Tin cùng chuyên mục