Bóng đá Việt có cần cầu thủ Việt kiều?

Không chỉ ở Việt Nam, mà bất kỳ nơi đâu trên thế giới, cánh cửa của đội tuyển quốc gia luôn mở ra đón chào những đứa con mang dòng máu quê hương có nguyện vọng muốn cống hiến. Các quy định của FIFA trong việc chọn màu áo thi đấu cũng ưu tiên cho yếu tố cội nguồn hơn là quốc tịch hiện tại của cầu thủ. 

 

Thủ môn Đặng Văn Lâm trong màu áo đội tuyển Việt Nam tại Vòng chung kết AFF Cup 2018. Ảnh: MINH HOÀNG
Thủ môn Đặng Văn Lâm trong màu áo đội tuyển Việt Nam tại Vòng chung kết AFF Cup 2018. Ảnh: MINH HOÀNG

LTS: Thời gian qua, từ sau thành công vang dội của các đội tuyển U.23, Olympic và đội tuyển quốc gia Việt Nam ở đấu trường quốc tế, rất đông cầu thủ Việt kiều đã lên tiếng xin trở về khoác áo đội tuyển Việt Nam. Vấn đề này càng trở nên nóng bỏng khi HLV Park Hang-seo có chuyến “vi hành” châu Âu để thẩm định tiền đạo Alexander Đặng chơi bóng. Ở góc độ nhà quản lý, VFF cho biết, sẽ tạo cơ hội cho cầu thủ Việt kiều thử sức nếu họ đủ tài năng phục vụ đội tuyển Việt Nam.


Bài học từ bạn bè

Theo thông lệ quốc tế, các trường hợp đặc biệt này chỉ xảy ra trong một điều kiện tiên quyết: Trình độ của cầu thủ đó phải cao hơn hẳn những người đồng hương. Dễ nhận thấy nhất là cầu thủ này phải chơi bóng ở một giải đấu có đẳng cấp hoàn toàn vượt trội, nơi mà cầu thủ trong nước không thể với tới. 

Ví dụ tiêu biểu nhất chính là trường hợp của đội tuyển Philippines. Sau khi khởi động kế hoạch “ngoại hóa” đội tuyển từ năm 2008, đến AFF Cup 2012, đội tuyển nước này có đến 8 cầu thủ hoàn toàn sinh ra, lớn lên và chơi bóng ở châu Âu, Mỹ. Một số cầu thủ khác dù đang chơi bóng trong nước nhưng chủ yếu sinh ra và sống ở châu Âu. Ở AFF lần đó, Philippines suýt nữa đã vào đến chung kết. Nói cách khác, nguồn lực từ bên ngoài đã giúp bóng đá Philippines “nở mày, nở mặt”, phần nào đó cũng thúc đẩy sự phát triển của bóng đá nội địa, tạo ra vị thế mới trong khu vực cho quốc gia này. Tuy nhiên, Phlippines là trường hợp ngoại lệ, bởi đơn giản bóng đá không phải là môn phổ biến trong nước. Các cầu thủ sinh ra tại nước ngoài, dù chơi ở trình độ nào, chắc chắn vẫn tốt hơn hẳn so với đồng hương của họ. Philippines không còn chọn lựa nào khác ngoài việc “đi tắt” theo mô hình của Singapore. Đội bóng thậm chí còn sử dụng các cầu thủ nhập tịch, không quan tâm đến gốc gác, cũng chỉ vì không đủ người tại chỗ. 

Tiền đạo Mạc Hồng Quân (17) là cầu thủ Việt kiều từng khoác áo đội tuyển U.23 Việt Nam nhưng thi đấu chưa thành công. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Nhưng bóng đá Việt Nam không giống Philippines và Singapore. Đây là môn thể thao chiếm vị trí gần như “độc tôn” tại Việt Nam, tỷ lệ người chơi bóng đá áp đảo hoàn toàn so với các môn khác. Ngoài một số năm ngắn ngủi phải tạm dừng sau ngày thống nhất đất nước, thì các cuộc tranh tài bóng đá có quy mô quốc gia vẫn tổ chức đều đặn hơn 60 năm qua (kể cả các giải đấu ở 2 miền Nam, Bắc trong thời kỳ trước năm 1975).

Nói như vậy để thấy, bóng đá Việt Nam có nền tảng khổng lồ để xây dựng một nền bóng đá mạnh mà không nhất thiết phải vất vả tìm kiếm tài năng ở những nơi xa xôi.

Không dễ dãi khi chọn người

Có 2 lý do chính trong vấn đề cầu thủ Việt kiều. Thứ nhất, khi nghĩ đến cầu thủ Việt kiều, tức là đang thiếu nhân tài. Nhưng như đã nói, với đất nước 100 triệu dân, mê bóng đá, số lượng cầu thủ chuyên nghiệp có đăng ký lên đến hơn 200.000 thì không thể có chuyện thiếu người. Vấn đề chỉ là khâu đào tạo và khai thác. Thứ hai, xét về phương diện chuyên môn, chưa có cầu thủ Việt kiều nào hiện nay ở trình độ vượt trội và chơi bóng ở đẳng cấp cao hơn nhiều so với mặt bằng V-League. Lấy trường hợp mới nhất của tiền đạo người Na Uy gốc Việt là Alexander Đặng. Đội bóng mà anh thi đấu cũng chỉ mới lần đầu tiên lên hạng tại giải đấu thứ nhì của Na Uy. Tính đến nay, cầu thủ Việt kiều có đẳng cấp cao nhất mà bóng đá Việt Nam từng có, đó là Lee Nguyễn, người từng khoác áo tuyển Mỹ, đang chơi bóng ở Giải nhà nghề MLS và hiện được định giá chuyển nhượng gần đến 1 triệu USD. Ngôi sao có cha là người Việt Nam từng có ý muốn khoác áo Việt Nam nhưng không thành. 
Cũng

cần phải nhắc lại, mọi mong muốn cống hiến cho dòng máu, nguồn cội và quê hương của mình đều được trân trọng. VFF cần phải tạo mọi điều kiện tốt nhất để những cầu thủ Việt kiều có thể khoác áo quốc gia. Tuy nhiên, cơ chế mở không có nghĩa là dễ dãi về chuyên môn và cũng không cần thiết phải tốn kém chi phí để đi sang Âu, Mỹ… tìm kiếm. Nếu cầu thủ Việt kiều có tài năng nổi bật, đương nhiên anh ta sẽ được chơi bóng ở các giải đỉnh cao và vì thế việc quan sát phong độ cũng rất đơn giản ở thời đại toàn cầu hiện nay. Còn nếu tài năng của cầu thủ Việt kiều chỉ mới dừng ở mức độ tiềm năng, thì tốt nhất anh ta nên về Việt Nam tìm cơ hội. Đó là cách khả thi nhất để giới thiệu bản thân cũng như tạo ra sự công bằng với chính những người đồng hương, như trường hợp của Michal Nguyễn, Mạc Hồng Quân và nhất là thủ thành Đặng Văn Lâm.

Thầy Park “chưa ưng cái bụng”

Nhà cầm quân người Hàn Quốc đã nói thẳng về Alexander Đặng sau khi chứng kiến anh chơi bóng tại Na Uy rằng: “Cậu ấy cần cố gắng thêm”. Dĩ nhiên, chỉ sau 1 trận đấu thì chưa thể đánh giá chính xác về trình độ của cầu thủ này, nhưng ông Park đã chốt lại 3 tiêu chí quan trọng: Khát vọng thi đấu cho đội tuyển Việt Nam, lối chơi phù hợp với triết lý của ông và cuối cùng là thủ tục nhập tịch Việt Nam. Đấy là chưa nói đến khó khăn của các cầu thủ Việt kiều như báo SGGP có lần đề cập, là không thi đấu tại V-League, nên ông Park hay các cộng sự không có điều kiện trực tiếp quan sát.

Ngoài Alexander Đặng, còn có 7 cầu thủ Việt kiều khác cũng lên tiếng muốn về nước khoác áo đội tuyển Việt Nam: Filip Nguyễn (CH Séc), Jason Quang Vinh Pendant và Jonny Nguyễn (Pháp), Thạch Dương (Thụy Điển), Nguyễn Quốc Trung (Thụy Sĩ), Trương Minh Tuấn (Hà Lan)... Nhưng hạn chế của các cầu thủ này cũng tương tự trường hợp của Alexander Đặng. Đặc biệt là tính cạnh tranh vị trí trong lúc này cũng rất quyết liệt, bởi ông Park đang có rất nhiều sự lựa chọn từ các cầu thủ trong nước.

Thậm chí, có ý kiến cho rằng, nếu chọn cầu thủ Việt kiều thì thay vào đó là điền tên các cầu thủ nhập tịch sẽ thuận lợi hơn. Hiện tại, V-League và hạng nhất quốc gia có khá đông cầu thủ nhập tịch thi đấu. Tuy nhiên, có thể mục tiêu chính là tạo điều kiện cho các cầu thủ trong nước có cơ hội để thể hiện mình trong thành phần đội tuyển, nên trong thời gian gần đây, chuyện gọi cầu thủ nhập tịch đã không còn được nhắc tới từ sau thất bại của việc gọi thủ môn Phan Văn Santos vào đội tuyển của hơn 10 năm trước.

Đội tuyển đang khủng hoảng tiền đạo

Việc ông Park Hang-seo phải thu xếp để đích thân đi Na Uy xem Alexander Đặng thi đấu, theo tôi không chỉ từ khát vọng của cầu thủ này mà ông Park còn đang “săn” tiền đạo cho đội tuyển. 

Hiện tại, Tiến Linh, Văn Đức cùng gặp chấn thương, Đức Chinh sa sút phong độ, còn Công Phượng thì chưa biết ra sao vì dự bị ở CLB nhiều quá. Nhân sự việc của Alexander Đặng, tôi nghĩ, xu hướng tìm nhân lực từ nước ngoài là điều tất yếu mà nhiều đội tuyển đã làm. Điều đó sẽ gia tăng sức mạnh cho đội tuyển, giải quyết những khó khăn về chất lượng ở nguồn nhân lực cho các đội tuyển. Riêng tôi thì ủng hộ phương án chọn cầu thủ Việt kiều hơn là ngoại binh nhập tịch. Vì dù gì cũng có dòng máu Việt và vấn đề còn lại là chuyên môn, thủ tục thuộc về ông Park, VFF. Không chỉ mở cửa đón cầu thủ Việt kiều ở đội tuyển mà kể cả đội U.23, U.21, U.19 cũng cần như vậy để tăng thêm chất lượng và tính cạnh tranh. 

                                                              ĐOÀN MINH XƯƠNG (Chuyên gia bóng đá)

Tin cùng chuyên mục