Không dưới một lần người ta nghe chính Chủ tịch LĐBĐ TPHCM khẳng định cái triết lý kỳ quặc này mỗi khi có ai đặt câu hỏi: “Vì sao CLB TPHCM... nghèo thế?”. Ngạc nhiên chưa! Nhưng không phải là không có lý?!
Hoặc giả ông Chủ tịch HFF biết đội bóng “không hề thiếu tiền”, nhưng không biết tại sao “nghèo”. Hoặc là có nhiều tiền, nhưng không biết cách dùng, nên nghèo. Hoặc là nghèo thật mà ông lại không biết…
![]() |
…nhưng thực tế, CLB TPHCM đã phải “cậy nhờ” đến lão tướng Hồ Văn Lợi (14) trong cuộc chiến trụ hạng. Ảnh: Nguyễn Nhân |
KHÔNG HỀ THIẾU TIỀN...
Thật ra thì nói ai đó “có tiền” cũng có 5-7 cách hiểu. Ví dụ như ngay ở trung tâm kinh tế số 1 Việt Nam, có một đội bóng duy nhất, mà nói là không có tiền thì… kỳ quá, nên phải nói là không thiếu tiền. Hoặc như một người đang sở hữu nhiều bất động sản, nhưng bán không được trong thời buổi “đóng băng”, thành ra trong túi không có tiền, nhưng bảo thiếu tiền cũng chẳng đúng. Rồi giả là trong nhà có tiền, nhưng người quyết định chi tiêu là… người khác, nên mang tiếng là không thiếu tiền, nhưng …
Nói dông dài như thế, nhưng phải thừa nhận là chẳng ai biết CLB TPHCM có hay không có tiền. Chỉ phải là “đại gia” lắm, mới dám… ngon lành đi ngược lại xu thế chung khi để cái tên trống trơn mà chẳng thèm ghép với thương hiệu nào. Cả V-League có ai đủ tiềm lực để làm như vậy không? Có ai “hào phóng” như Tổng Công ty Thép Việt Nam không khi “tặng” đội bóng cho người dân thành phố để khơi dậy niềm tự hào chung. Làm vậy mà còn làm được thì chắc chuyện tiền chỉ là “ba cái lẻ tẻ”.
Vậy nhưng ngay cái chuyện chuyển tên ấy cũng có người cắc cớ nhìn bằng một lăng kính khác: hay là họ thiếu tiền thật nên mới để trống không cái tên?! Có thể họ chẳng ghép với thương hiệu nào đó không để lấy tiền, nhưng lại lấy cái gì khác nhiều tiền hơn. Nhưng dù là thế nào, thì chung qui cũng là không đầu tư nhiều tiền như mọi người nghĩ! Thành ra, ngay sau khi vừa rớt hạng, nhân buổi làm việc với vị Chủ tịch UBND TPHCM, thay vì ông đến có lẽ cũng muốn được nghe giải thích tại sao không thiếu tiền mà lại rớt hạng, thì lại nhận được các đề xuất liên quan đến tiền. Tự nhiên, lờ mờ sau câu chuyện này, người ta hiểu rằng CLB TPHCM rớt hạng không phải vì thiếu tiền, mà là thiếu… rất nhiều tiền.
Đó mới là điểm cốt lõi của bi kịch “ vùng trắng”.
NHƯNG VẪN NGHÈO
Chuyện không có tiền thì chắc chắn thất bại ở môi trường V-League là điều đã được chứng minh quá rõ ràng, nên những đề xuất sau thời điểm rớt hạng ít nhiều… lỗi thời. Người ta có quyền thắc mắc, tại sao khi liên doanh và làm “chủ xị” từ năm 2004 đến nay, các đề nghị trên không thấy phía Thép nhắc đến để rồi đến mức phải xuống hạng, sau đó lại nhằm lúc lãnh đạo thành phố quan tâm nhất thì đem chuyện tiền ra nói như một sự bào chữa có chủ đích?
Thật ra, nếu phải thừa nhận CLB TPHCM xuống hạng vì không chi nhiều tiền như các đội bóng khác thì điều đó cũng chẳng phải là điều quá xấu hổ. Một phần thực tế diễn biến các năm qua ở đội bóng Thép-Cảng (nay là CLB TPHCM) đã là như thế rồi. Ngay mùa trước còn rộ lên thông tin, công ty quản lý đội bóng nợ rất nhiều. Tình hình ngày một kém, nhưng chẳng thấy ai đưa ra hướng giải quyết về tài chính cho đội bóng. Đùng một cái, lại còn chuyển tên hoành tráng theo phong cách “đại gia”. Ai ngờ, đó lại là cách để xuất hiện lời đề xuất khi mọi thứ vỡ tan.
Phải nói là phía Thép đã có nhiều thời điểm “ảo tưởng” kể từ khi tiếp nhận đội bóng. Những năm 2005 - 2006, họ tiêu tiền chẳng kém gì ai. Có năm sang tận Hoa Kỳ để tuyển cầu thủ mới kinh hoàng chứ! Họ cũng là đội tạo nên sự kiện “cầu thủ bạc tỷ” đối với Trung Kiên hay Xuân Thành, nhưng rồi kết quả cuối mùa vẫn không hề được cải thiện, trong khi sự vung tay vô tội vạ trong công tác chuyển nhượng để lại khoản nợ rất lớn. Không ai cứ tung tiền ra mà không biết xót, nhất là đối với một tổng công ty như Thép.
Chi tiêu bắt đầu được thắt chặt và có lẽ cuối cùng, hoặc lãnh đạo phía Thép nhận ra rằng, nếu không thể có được các khoản thu nhập khổng lồ khác từ địa phương thì không thể duy trì đội bóng. Hoặc họ đã tính toán trước điều này, nhưng chưa đến lúc để thực thi. Thời điểm chuyển tên sang CLB TPHCM chính là lúc khởi đầu của kế hoạch “hậu bóng đá”.
Điều đáng quan tâm ở đây chính là vai trò của Liên đoàn bóng đá TPHCM. Ở nhiệm kỳ trước, thời ông Trần Văn Tạo “một cánh én không làm nên mùa xuân” đã khá bất lực trong việc can thiệp vào những đội bóng thì đến nhiệm kỳ này tiếp tục tình trạng như vậy.
Nói phía HFF không “giúp” thì không hoàn toàn chính xác, nhưng tại sao các vấn đề liên quan đến đặc thù địa phương, tài chính họ lại không thể bàn bạc cùng phía Thép? Có thể họ không thể can thiệp vào quá trình hoạt động của công ty quản lý, nhưng hoàn toàn có thể đưa ra những lời khuyên về cách quản lý, cơ chế kiếm tiền cho đội bóng. Để rồi cuối cùng, những đề xuất gởi lên lãnh đạo thành phố đâu có gì mới mẻ so với xu hướng làm bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam hiện tại, và phần lớn những đề xuất đó đều rất khó thực hiện ở một địa phương có đặc thù như TPHCM. Vì vậy có thể nói, chuyện đưa ra các đề xuất về kinh doanh đất đai lấy tiền làm bóng đá ở thời điểm vừa qua đã kém cỏi, và nói rằng, cần lãnh đạo ủng hộ để thành hiện thực còn… tệ hơn!
HỒ VIỆT
(SGGP thể thao)
Đón đọc Kỳ 2: THẤT BẠI CHỈ VÌ KHÔNG ĐƯỢC QUAN TÂM
Nếu cho rằng sự sa sút của bóng đá Sài Gòn là do sự thiếu quan tâm của lãnh đạo thành phố là điều không công bằng cho lắm. Trong khi cả nền thể thao TPHCM đang tuột dốc, thì chính bóng đá mới là nơi phải trở thành mô hình mẫu để lấy lại những giá trị đóng góp cho quốc gia như thời hoàng kim, chứ không thể xin cơ chế khi biết là có xin cũng khó thành hiện thực...