Khi bản dự thảo chiến lược bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 được đưa ra thảo luận với nội dung mà nhiều người cho rằng… gần như không có gì mới so với dự thảo chiến lược cách nay 10 năm, thậm chí có những cái tụt hậu hơn thì những khiếm khuyết của VFF và bộ máy điều hành càng lộ rõ hơn. Giậm chân tại chỗ cũng có nghĩa là tụt hậu, mà sự tụt hậu này đã được báo trước với rất nhiều ý kiến tâm huyết của giới chuyên môn và người hâm mộ cũng như chủ trương nhất quán của nhà nước về phát triển thể dục thể thao.
Xu thế giao lưu trên thế giới hiện nay không khó để có một mô hình phù hợp cho sự phát triển của bóng đá. Cũng không phải đến bây giờ mới đặt ra vấn đề này, vậy mà hơn chục năm làm bóng đá chuyên nghiệp, chất lượng giải đấu cũng như mô hình quản lý gần như không có gì. Ngay cả sự ra đời của VPF, công ty điều hành giải bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam được kỳ vọng mang lại nhiều thay đổi, nhưng dường như chỉ là thay đổi mang yếu tố quyền lợi là chủ yếu.
Mười năm từ khi có giải bóng đá bán chuyên nghiệp rồi chuyên nghiệp đến nay, chưa có một cuộc hội thảo hay tổng kết về mô hình này. Chỉ có mỗi năm là một cuộc “họp kín” kèm theo những “thành tích” năm nào cũng được nhắc đến.
Bóng đá là môn thể thao của công chúng, nên khi thành tích ngày càng đi xuống thì áp lực của người hâm mộ lên công tác quản lý điều hành ngày càng lớn. Về khía cạnh này, có thể nói các quan chức VFF nhiều nhiệm kỳ qua đã tỏ ra e dè, đôi khi thiếu bản lĩnh và sức thuyết phục để lèo lái con thuyền bóng đá. Rất nhiều vấn đề cần phải được đặt ra chiến lược lâu dài đã trở thành chuyện “ăn xổi ở thì”.
Chẳng hạn, chuyện chọn huấn luyện viên nội hay ngoại cho đội tuyển bóng đá quốc gia, dưới áp lực nhiều phía cũng khiến cho VFF đi từ bất nhất cho đến… rối. Khi huấn luyện viên ngoại dẫn dắt thành công, VFF tuyên bố đó là xu hướng để tiến lên bóng đá đỉnh cao, khi thất bại, VFF cho rằng… huấn luyện viên nội không thiếu tài năng nên ngoại chỉ là tạm thời. Rồi cầu thủ ngoại nhập tịch cũng bị “quay” như chong chóng.
Khi cho nhập ồ ạt thì xem đây là nguồn lực không thể thiếu mà các nước có nền bóng đá phát triển đều làm, lúc hạn chế không cho vào tuyển quốc gia thì lý giải phải vì sự phát triển của bóng đá trẻ! Công bằng mà nói, bệnh “tinh thần yếu” này một phần do áp lực quá lớn từ dư luận, trong đó có không ít người hoặc nhóm người chưa hẳn vì cái chung, nhưng quá rành “bệnh” của VFF nên dễ dàng “định hướng” VFF.
Người hâm mộ vẫn còn nhớ mục tiêu của đội tuyển quốc gia được đưa ra vài năm trước là phấn đấu có mặt ở… World Cup 2018. Rồi sau đó còn khá nhiều những con số khiến ai cũng bất ngờ cho đến… buồn cười về mục tiêu của bóng đá Việt Nam. Lần này, mục tiêu đưa ra là chúng ta sẽ có mặt ở… World Cup 2030. Có những thời điểm, bóng đá Việt Nam như đã có điểm tựa để bật dậy khi liên tục được FIFA hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật, có nhiều thế hệ cầu thủ tài năng và đội ngũ kế thừa tốt, có sức mạnh to lớn từ người hâm mộ.
Thế nhưng khi vừa le lói ánh sáng thì liền tắt ngấm bởi tiêu cực trong các giải đấu, thiếu đầu tư cho bóng đá trẻ, công tác điều hành kém... VFF hoạt động gồm cả bộ máy với nhiều cá nhân có trình độ cao, có uy tín trong lĩnh vực bóng đá, nhưng có lẽ yếu tố khoa học, đột phá, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm rất ít thấy ở tổ chức này.
Vì vậy, nhiều người cho rằng góp ý cho dự thảo chiến lược lần này gói gọn vào một chuyện: chỉ cần làm tốt những gì đã đề ra cách nay… mười năm và tái cơ cấu bộ máy quản lý, điều hành bóng đá từ VFF mới mong bắt kịp yêu cầu phát triển bóng đá hiện nay.
HOÀNG QUÌ