Thời điểm đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhắn nhủ thành viên 2 CLB: “Để giải quyết các khó khăn của 2 đội thì cần có thời gian vì các vướng mắc không phải tự thành phố có thể khơi thông được. Nhưng, có một việc nằm trong tầm tay của 2 đội bóng, đó là phải thi đấu tốt, trụ được hạng để giữ không khí bóng đá cho người hâm mộ”.
Chỉ đạo đó rất thực tế. Vì cả 2 đội Sài Gòn FC cũng như CLB TPHCM chỉ mới đá V-League trong vòng 5 mùa giải, khoảng thời gian mà xét về lý thuyết, nguồn đầu tư và quyết tâm chủ yếu thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp sở hữu CLB. Có vượt qua được giai đoạn này thì mới tính đến chuyện nhận hỗ trợ từ địa phương hoặc thu lợi từ kinh doanh bóng đá. Thiếu sự ổn định thì rất khó để thuyết phục người khác giúp đỡ. Những chính sách đãi ngộ nếu có, cũng chỉ đến sau khi các CLB cho thấy mình theo đuổi lâu dài việc đầu tư cho bóng đá.
Nhưng trên thực tế, sự sa sút của bóng đá TPHCM đã trải qua 3 năm chứ không phải nhất thời, đột ngột. Kết thúc V-League 2022, Sài Gòn FC xuống hạng và mùa này còn bỏ luôn giải hạng nhất, coi như “xóa sổ”. CLB TPHCM 4 năm trước còn là á quân V-League nhưng 2 mùa gần nhất đều chỉ trụ hạng vào giờ chót và mùa này cũng đang đứng ở nhóm cuối bảng.
Bóng đá nói cho cùng vẫn cần có thành tích. Đầu tư đúng tầm mức cùng việc thi đấu tốt thì khán giả sẽ đến sân và địa phương sẽ quan tâm hỗ trợ. Nam Định là một ví dụ. Đội bóng này khởi đầu kém, chủ yếu dựa vào nguồn cầu thủ tại chỗ, cũng phải trầy trật trụ hạng mỗi năm nhưng bù lại họ luôn chơi máu lửa và thu hút rất đông khán giả trung thành. Nhờ vậy mà sau gần 7 năm “khốn khổ” họ cũng đã có chủ đầu tư mới để tăng cường lực lượng và vụt trở thành một trong những ứng cử viên vô địch mùa này, điều mà có lẽ không bao nhiêu CĐV Nam Định nghĩ đến suốt bao năm qua.
Hy vọng CLB TPHCM sẽ có sự tập trung nhiều hơn vào chuyên môn, trước mắt vẫn phải trụ hạng chứ không rơi vào tình trạng như Sài Gòn FC.