Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Cần có tư duy kinh doanh bóng đá một cách bền vững

Sáng 11-8, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã chủ trì buổi gặp mặt 2 CLB bóng đá Sài Gòn và TPHCM. Cùng tham dự có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, lãnh đạo Sở VH-TT TPHCM, Liên đoàn Bóng đá TPHCM, lãnh đạo và HLV các đội bóng…
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi gặp mặt 2 CLB bóng đá của TPHCM sáng 11-8. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi gặp mặt 2 CLB bóng đá của TPHCM sáng 11-8. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Mở đầu buổi gặp mặt, đại diện của 2 đội bóng thay nhau “kêu” khó. Dù không tiết lộ các con số cụ thể, nhưng cả hai đội bóng đều băn khoăn về nhân sự cho mùa giải mới vì… thiếu tiền. Lãnh đạo CLB Bóng đá Sài Gòn cho biết, cuối mùa giải 2020 có đến 21 cầu thủ hết hợp đồng và đa số đều đòi ra đi, đến những đội có mức phí cao hơn. Dù nỗ lực đàm phán nhưng CLB Bóng đá Sài Gòn không thể giữ được người nên phải chọn phương án “bỏ hết làm lại”. Phía CLB Bóng đá TPHCM cũng thừa nhận, nhiều cầu thủ giỏi ở các địa phương khác đã từ chối ký hợp đồng nếu như đội bóng quê hương họ đưa ra mức chuyển nhượng tốt hơn. Điều này dẫn đến việc bóng đá TPHCM hầu như không có tuyển thủ quốc gia nào.

Tình hình tài chính không tốt, nhưng khả năng thu hút đầu tư lại vướng rào cản lớn hơn, đó là cả hai đội bóng đều không có cơ sở vật chất cụ thể nào để thuyết phục nhà đầu tư. Chủ tịch kiêm HLV CLB Bóng đá TPHCM Nguyễn Hữu Thắng cho biết, ngay đến sân tập hiện nay cũng không đủ tiêu chuẩn. Hồi đầu mùa giải, vì thời tiết bất lợi nên số lượng buổi tập của đội không đủ, đã ảnh hưởng lớn khi vào thi đấu.

Vì không có “đại bản doanh” lẫn trụ sở cố định nên CLB Bóng đá TPHCM chủ động làm việc với Trung tâm TDTT quận 7 để liên doanh xây dựng cơ sở vật chất riêng. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư này vướng cơ chế và vẫn chưa có hướng giải quyết. Với CLB Bóng đá Sài Gòn, sau khi vay ngân hàng mua lại Trung tâm TDTT Thành Long thì hết tiền để sửa chữa và nâng cấp. Theo đại diện của đội bóng này, nhà đầu tư chiến lược Nova Group sẵn sàng tham gia nhưng cần có cơ chế để chuyển đổi công năng một phần Trung tâm TDTT Thành Long sang các dự án thương mại nhằm tạo nguồn tài chính nuôi bóng đá. Phía CLB Bóng đá Sài Gòn cũng cho biết sẵn sàng hợp tác để cải tạo và khai thác kinh doanh sân vận động Thống Nhất để tạo nguồn thu.

 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Cần có tư duy kinh doanh bóng đá một cách bền vững ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên (phải), Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức  trao đổi với đại diện Liên đoàn Bóng đá TPHCM về định hướng phát triển trong giai đoạn mới. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nói về các khó khăn mà 2 đội bóng nêu ra, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Mai Bá Hùng khẳng định, cơ quan quản lý nhà nước luôn sát cánh và hỗ trợ 2 đội bóng đang đá tại V-League nhưng tình hình chung thì cơ sở vật chất dành cho thể thao đang có nhiều vướng mắc. Trung tâm Huấn luyện Phú Thọ vốn có một phần dành cho đào tạo bóng đá nhưng chưa khởi động, Khu liên hợp Thể thao Rạch Chiếc vẫn còn... nằm trên giấy, một khu đất khác 13ha tại Cần Giờ vẫn đang chờ chủ trương. Khi được Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên hỏi: “Khi nào TP mới có sân vận động tiêu chuẩn quốc tế mới?”, ông Mai Bá Hùng trả lời: phải rất lâu…

Phải có nhân sự tâm huyết, đam mê

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định, TP không phải không đủ điều kiện nhưng vẫn đang vướng cơ chế chính sách, không chỉ với ngành thể thao mà cả văn hóa, giáo dục, y tế. Đơn cử như sân Thống Nhất hay Trung tâm Thể thao Phú Thọ đều nằm ở trung tâm TP, lẽ ra phải được khai thác kinh doanh tối đa nhưng thực tế là vẫn đang được bao cấp ngân sách.

Dù tán thành các đề xuất về liên doanh, liên kết của 2 đội bóng với những cơ sở công lập nhưng khi triển khai cũng sẽ vướng các quy định pháp luật, vượt quá thẩm quyền của UBND TPHCM. Mặt khác, theo đồng chí Dương Anh Đức, các đội bóng cũng cần tính toán kỹ khi đưa ra các đề xuất về đầu tư vào những cơ sở vật chất công, bởi rất mạo hiểm và nếu không thành công thì dẫn đến hệ lụy, ảnh hưởng đến quyết tâm đầu tư bóng đá của các doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, đồng chí Dương Anh Đức cho rằng: “Cần phải nhìn vào thực tế là bóng đá TPHCM thiếu sân bãi tập luyện, đào tạo trẻ. Lãnh đạo thành phố nhìn nhận cần có các đột phá mới giải quyết được. Có thể chính những đề xuất của 2 đội bóng sẽ là “case study” (tình huống điển hình) qua đó cũng tháo gỡ các vướng mắc khác, ở các lĩnh vực khác”. Đồng chí Dương Anh Đức cũng nhấn mạnh, các giải pháp hỗ trợ của thành phố cũng không thể vượt qua những quy định pháp luật cũng như quy chế bóng đá chuyên nghiệp do các tổ chức bóng đá quốc tế ban hành.

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhắc lại ý nghĩa của buổi gặp mặt: “Lãnh đạo TP muốn lắng nghe tâm tư và chia sẻ của các đội bóng. Đây là trách nhiệm chung của chúng ta với người dân TP, vì thể thao là món ăn tinh thần, trong đó bóng đá được quan tâm nhiều hơn tất cả. Tuy nhiên, đây chỉ là một buổi gặp mặt nội bộ, trước mắt là động viên tinh thần và thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo TP với nỗ lực, tấm lòng của 2 đội bóng. TPHCM có “thiên thời, địa lợi” để làm bóng đá, vấn đề cần bàn là “nhân hòa”, làm sao để có chiến lược, tạo ra cơ chế, tập hợp nguồn lực để phát triển bóng đá TP. Đã qua thời chơi bóng đá, làm bóng đá mà bây giờ cần phải có tư duy kinh doanh bóng đá một cách bền vững. Trước hết, cần phải bắt đầu từ bóng đá trẻ, có cơ sở vật chất để phục vụ công tác đào tạo. Phải tính toán kỹ trong việc hợp tác công – tư, Nhà nước làm việc gì, các CLB làm việc gì phải phân chia trách nhiệm cụ thể, tránh trường hợp can thiệp sâu vào chuyên môn. Muốn được như vậy, bóng đá TP cần có giải pháp về con người quản lý, phải có nhân sự tâm huyết, đam mê, nhìn thấy được trách nhiệm của mình với người hâm mộ”.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, hoàn toàn thống nhất về các giải pháp nhân sự gần đây của 2 CLB Bóng đá TPHCM và Sài Gòn trong giai đoạn trước mắt để cải thiện thành tích tại mùa giải 2022, như việc mời danh thủ Lê Huỳnh Đức về làm Giám đốc kỹ thuật cho CLB Bóng đá Sài Gòn. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng đặt vấn đề: “Hiện trạng thành tích của 2 đội bóng đều không tốt, dễ dẫn đến trường hợp một trong hai đội phải chia tay V-League. Vấn đề chuyên môn, chúng tôi không can thiệp cũng không thể áp đặt nhưng người dân TPHCM chắc chắn không muốn thấy đội nào xuống hạng cả. Cần phải làm công tác tư tưởng với cầu thủ, thúc đẩy tinh thần thi đấu “màu cờ sắc áo” vì đây là trách nhiệm của những người làm bóng đá”.

Hai CLB đều… “xin đất”


Sau khi thừa nhận “làm bóng đá quá khó, không phải có tiền là làm được”, đại diện chủ sở hữu CLB Bóng đá TPHCM cũng đề xuất TP tạo cơ chế để thuê hoặc sở hữu trụ sở điều hành đội bóng, đồng thời muốn bố trí một khu đất có diện tích 5ha nhằm xây dựng một sân bóng tiêu chuẩn quốc tế. 

Theo vị này, CLB Bóng đá TPHCM có thể đầu tư vào khu đất 12 ha do Công ty Nhà Phú Nhuận quản lý tại Thủ Đức hoặc tại sân vận động Hoa Lư. Còn phía CLB Bóng đá Sài Gòn đề xuất mở rộng khu đất tại Trung tâm TDTT Thành Long, vừa chuyển đổi công năng xây nhà ở thương mại, vừa xây dựng trung tâm đào tạo. Ngoài ra, đại diện đội bóng này cũng đề nghị được Liên đoàn Bóng đá TPHCM hỗ trợ kinh phí.

Tin cùng chuyên mục