Đội tuyển U19 Việt Nam vừa trở về sau chuyến tập huấn tại châu Âu. Đấy là một chuyện đi bổ ích, điều ấy là đương nhiên bởi từ trước đến nay, chưa từng có một lứa cầu thủ nào lại hưởng chế độ tốt đến mức đó. Thế nhưng, bổ ích thì để… làm gì?
Thật sự là đến nay, chưa ai hiểu rốt cục việc đầu tư cho đội U19 là để làm gì. Ai cũng biết, sau đợt tập huấn tại châu Âu sẽ là Nhật Bản và tất cả đều phục vụ cho VCK U19 châu Á vào cuối năm. Nhưng sau đó là gì?
Không lẽ, cứ “nhốt” đội bóng ấy vào các chuyến tập huấn để phục vụ riêng cho kế hoạch của các đội tuyển U19, U23… của VFF sau này? Lại nghe bầu Đức nói, sẽ cho các cầu thủ này học đại học. Thế thì mục đích đào tạo là để làm gì?
Bất kỳ quá trình đào tạo nào thì cũng kết thúc bằng việc thi đấu trên sân cỏ trong môi trường thực tế. Kể cả việc có muốn bán cầu thủ này ra nước ngoài đi nữa, thì người mua cũng cần nhìn từ thực tế sân cỏ mới quyết định chuyển nhượng.
Một khi các cầu thủ U19 không tham gia sân chơi V-League, thì lấy cơ sở nào để biết họ đã kết thúc quá trình đào tạo và trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp? Không lẽ, năng lực của các cầu thủ này chỉ được trình diễn thông qua các trận đấu của đội tuyển quốc gia mà VFF đang quản lý ư? Thế thì thật không công bằng.
Không ai có thể đánh giá là đội U19 Việt Nam có tiến bộ hay không qua đợt tập huấn tại châu Âu bởi thực tế đó vẫn là những trận đấu tập không hơn, không kém. Chúng ta vẫn quen nghe đánh giá các cầu thủ từ Học viện HAGL - Arsenal chất lượng tốt hơn các cầu thủ U19 khác nhưng đấy vẫn chỉ là trên lý thuyết.
Chỉ có thực tế sân cỏ mới trả lời chính xác. Nhưng khổ nỗi, nếu không để các cầu thủ này trưởng thành trong môi trường V-League thì lấy gì để so sánh?
Còn nữa, chúng ta vẫn nghe rằng đội U19 Việt Nam ngoan hiền, đạo đức và có kỹ thuật cá nhân tốt hơn các cầu thủ U19 khác. Nhưng chuyện đó cũng chỉ là lý thuyết bởi đã “nhốt” họ trong một môi trường quá hoàn hảo thì đương nhiên, nhìn đâu cũng thấy họ tốt. Cứ “ném” họ thẳng vào V-League như các cầu thủ khác thử xem?
Một khi đã bao bọc họ bằng một bức tường kính để ngăn ngừa vi trùng, thì làm sao không tốt đẹp cho được. Cũng như nếu môi trường bóng đá Việt Nam trong sạch, người lớn có trách nhiệm hơn, biết cách bảo vệ các tài năng hơn, thì bóng đá Việt Nam đâu thiếu gì nhân tài.
Ví dụ như câu chuyện về Văn Quyến, người mà ở độ tuổi của mình, không cầu thủ nào của đội tuyển U19 có thể giỏi hơn. Thế nhưng, người ta cứ để Quyến thích làm gì thì làm, không cần phấn đấu vẫn được nuông chiều, để rồi không bao giờ trưởng thành như một ngôi sao thực thụ. Thử hỏi, nếu Quyến được bảo vệ bằng trách nhiệm của người lớn thì anh ta có trượt dốc không?
Thế nên, vấn đề vẫn nằm ở chỗ môi trường của bóng đá Việt có tốt hay không chứ không phải là cách chúng ta đào tạo cầu thủ. Một khi bầu Đức còn “ngán” cái môi trường V-League và sợ cầu thủ của mình hư hỏng thì cũng có nghĩa, mọi nỗ lực đào tạo đều sẽ thất bại.
Không thể cứ đổ tiền đào tạo cầu thủ để “làm kiểng” mà phải cho họ vào môi trường V-League để nâng chất lượng giải đấu. Không cho họ vào thì chẳng thể nào biết được trình độ của họ đến đâu. Mà cho họ vào thì lại sợ sẽ bị thui chột. Thế nên, vẫn câu hỏi cũ: Bao giờ thì U19 mới có thể lớn lên được.
Đăng Linh
|