Cuộc chia tay của Công Phượng với CLB Incheon United (Hàn Quốc) chỉ sau một thời gian ngắn, không có gì bất ngờ. Hay nói cách khác, đó là cái kết đã được dự báo trước, sau những gì mà Công Phượng từng trải qua tại Nhật Bản 2 năm trước. Tuy nhiên, bất ngờ là rời Hàn Quốc, Phượng không về Việt Nam mà có thể sẽ sang Pháp thi đấu tại giải hạng nhì thông qua cầu nối Học viện Arsenal - JMG.
Nếu nhìn sự việc theo cách đơn giản, đây là một bước tiến về nghề nghiệp theo độ khó tăng dần. Từ J-League 2, sang K-League và bây giờ đến được Pháp, một trong 5 quốc gia bóng đá hàng đầu châu Âu. Nhưng nếu đi vào chi tiết về chuyên môn, đây lại là một bước lùi. Tại Incheon United, Công Phượng rất ít được ra sân và nếu có thi đấu thì cũng không tìm được tiếng nói chung với đồng đội. Như vậy, việc rời Incheon United cốt là để tìm kiếm cơ hội đá bóng nhiều hơn, nhưng thật khó tin là ở CLB mới tại châu Âu, mức độ chuyên nghiệp cao hơn, phong cách thi đấu ưu tiên thể lực hơn, Phượng sẽ có nhiều hơn cơ hội so với ở Hàn Quốc. Đó là chưa nói, đây là thời điểm bóng đá châu Âu đang nghỉ hè, càng không thể thi đấu nhiều. Kế đến, là khả năng hòa nhập. HLV của Incheon United tiết lộ, ngoại ngữ của Công Phượng là một trong những rào cản. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc đã khó như vậy, thì sang Pháp đương nhiên chẳng dễ hơn, chưa nói đến yếu tố văn hóa, ẩm thực gần như khác biệt với những môi trường mà Phượng từng trải qua.
Nhưng câu chuyện mà chúng tôi muốn đề cập ở đây không phải việc Phượng đi đâu, mà là khi nào cầu thủ này… trở về?
Được biết, những chuyến xuất ngoại của Công Phượng đều do phía CLB sở hữu anh là HA.GL sắp xếp, đàm phán. Tất cả đều là những bản hợp đồng cho mượn có thời hạn. Ngay việc ngưng hợp đồng với Incheon United cũng là do HA.GL chủ động. Vấn đề là thời gian dành cho các trải nghiệm quá ngắn, không biết đem lại điều gì bổ ích cho Công Phượng hay không. Tiền đạo này từng phải mất đến một mùa giải “tái hòa nhập” tại V-League sau khi từ J-League 2 trở về. Vừa bắt đầu chơi tốt ở V-League mùa trước, Phượng lại khăn gói ra đi. 4 năm đã thi đấu ở 4 CLB khác nhau, quá nhiều thay đổi trong thời gian ngắn như vậy, không thể là điều tốt.
Mặt khác, Công Phượng năm nay mới 24 tuổi. Lúc sang Nhật Bản, anh mới 21 tuổi. Thông thường, khi các cầu thủ xuất ngoại để tìm kiếm một đẳng cấp cao hơn, thì đã đến độ “chín” về tài năng để có thể ra sân thường xuyên. Trong khi đó, Công Phượng lại dành phần lớn tuổi thanh xuân sự nghiệp chủ yếu ngồi dự bị. Bảo là ra đi để phát triển có vẻ không ổn chút nào. Không lẽ 1-2 năm nữa, ở thời gian được xem là đỉnh cao của đời cầu thủ, Công Phượng lại quay về đá V-League?
Được gì trong những chuyến đi ấy, có lẽ chỉ mỗi mình Công Phượng biết. Nhưng cho đến lúc này, câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng là: Tại sao Công Phượng không thể ở lại Việt Nam để chơi bóng tại V-League?
Nói cho cùng, ai cũng muốn các cầu thủ Việt Nam khi xuất ngoại đều có thành công, bởi điều đó giống như mở ra một cánh cửa lớn cho nhiều cầu thủ khác. Ngược lại, nếu không thành công thì cũng là cách điều chỉnh, cũng như chuẩn bị cho việc “xuất khẩu cầu thủ” trong tương lai. Điều đáng tiếc nhất là cứ đi, cứ mang tiếng là “xuất ngoại” mà không biết kết quả ra sao.