“Bão” chấn thương

Có đến 5 cầu thủ đã phải rời đội tuyển sau khi được các bác sĩ kiểm tra sức khỏe, trong đó có những trụ cột như thủ môn Đặng Văn Lâm, trung vệ Thành Chung. Hiện đội tuyển còn danh sách khá dài những người phải theo dõi sức khỏe như Quế Ngọc Hải, Nguyễn Tiến Linh hay Đỗ Duy Mạnh.

Chấn thương trong bóng đá là bình thường, nhưng khi xảy ra cùng lúc với số lượng lớn cầu thủ thì đó là điều đáng suy nghĩ. Thực tế là cầu thủ Việt Nam không phải thi đấu quá nhiều trong năm qua. Cả năm, số trận tối đa của một tuyển thủ quốc gia chỉ khoảng 30-35 trận (bao gồm thời gian thi đấu ở V-League), nằm dưới mức giới hạn cho phép về vận động của cơ thể một cầu thủ chuyên nghiệp.

Chấn thương của các cầu thủ Việt Nam đến từ 2 nguyên nhân chính. Đầu tiên là lối chơi có phần bạo lực trên sân cỏ và tình trạng chăm sóc y tế chưa tốt, bao gồm cả ý thức giữ sức khỏe của các cầu thủ cũng như việc kiểm tra ở CLB không đạt chuẩn.

Rất nhiều cầu thủ lên tập trung ở đội tuyển, sau khi được bác sĩ thăm khám mới phát hiện ra chấn thương của mình nặng hơn các kết quả ở CLB, thậm chí buộc phải phẫu thuật để duy trì sự nghiệp. Lẽ ra, việc này phải được thực hiện ngay tại cơ sở, nơi mà cầu thủ chính là “tài sản” của CLB, phục vụ cho CLB là chính.

c6b-9171.jpg
Các tuyển thủ chủ lực đang nỗ lực hồi phục chấn thương trước thềm Asian Cup 2023. Ảnh: P.MINH

Ở một góc độ khác, đó là kế hoạch sử dụng cầu thủ của bóng đá Việt Nam có nhiều điểm bất hợp lý, nhất là việc “khai thác” quá mức cầu thủ trẻ tài năng. So với Asian Cup 2019, danh sách triệu tập của HLV Troussier cho Asian Cup 2023 chỉ còn lại 8 người. 4 năm trước, đội tuyển của HLV Park Hang-seo có tuổi bình quân chỉ 23, người lớn nhất là Trọng Hoàng cũng chỉ 29.

Nghĩa là sau một thời gian không dài thì rất nhiều cầu thủ trẻ không giữ được phong độ đỉnh cao và trong đó, có những người dính chấn thương liên tục như Đoàn Văn Hậu, Duy Mạnh, Tuấn Anh, Xuân Trường, Phan Văn Đức, Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dũng… Điểm chung của họ là tỏa sáng từ lứa U23 và liên tục thi đấu ở cả 2 đội tuyển cũng như CLB.

Chuyện này tiếp diễn với lứa cầu thủ U20 như Khuất Văn Khang, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Đình Bắc… Việc trẻ hóa đội tuyển là tốt, nhưng các cầu thủ lẽ ra khi lên đến tuyển quốc gia thì không nên sử dụng tại các đội U vì điều đó dẫn đến việc quá tải, dẫn đến những chấn thương lâu hồi phục và đánh mất phong độ ở tuổi đẹp nhất sự nghiệp (27-28).

Hãy lấy trường hợp của thế hệ U23 năm 2011 của Văn Quyết, Thành Lương, Lê Văn Tháng, Đinh Thanh Trung… thì rõ. Lứa cầu thủ này ban đầu bị đánh giá thất bại, vì thế mới không được “khai thác” tối đa, và họ đều chơi bóng đỉnh cao đến quá tuổi 30 theo kiểu “gừng càng già càng cay”.

Tin cùng chuyên mục