Alberto Zaccheroni (UAE)
Vị “thuyền trưởng” lừng danh một thời của AC Milan (ông cùng đội bóng sọc Đỏ – Đen đã giành được danh hiệu Serie A ở mùa giải 1998-1999, ông cũng thắng danh hiệu HLV xuất sắc nhất Serie A trong năm đó, đội hình khi đó của Zaccheroni đầy những “hảo thủ” khét tiếng như là Paolo Maldini, Alessandro Costacurta, George Weah, Zvonimir Boban, Oliver Bierhoff…) rất nổi tiếng với đội hình chiến thuật 3-4-3. Ông cũng từng huấn luyện các CLB nổi tiếng khác ở Italia như Bologna, Udinese, Lazio.
Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, ông từng làm HLV trưởng tuyển Nhật Bản trong giai đoạn từ 2010-2014, và chiến công cao nhất của ông là đưa Những chiến binh Samurai xanh giành ngôi vô địch của Asian Cup 2011 (hay ngôi vô địch giải Đông Á hồi năm 2013). Thời điểm đó, tuyển Nhật Bản khá nổi tiếng với những cầu thủ nổi bật như là Shinji Okazaki, Shinji Kagawa, Keisuke Honda.
Zaccheroni trở thành HLV của UAE kể từ năm 2017 cho đến nay. Tuy nhiên, do đã “lỗi thời”, một phần cũng bởi thực lực của UAE – chủ nhà của Asian Cup năm nay, không mạnh, “ngài Zac” không gây được hiệu ứng đặc biệt trong hơn 2 năm dẫn dắt UAE. Ông chỉ đạt tỷ lệ giành chiến thắng với UAE là 23,53% (chỉ có 4 trận thắng, 7 trận hòa và 6 trận thua).
Một trong những nỗi lo lớn nhất của “ngài Zac” trước trận khai mạc Asian Cup, trận đấu giữa UAE và Bahrain (bảng A) sẽ diễn ra vào tối nay, thứ Bảy 5-1, đó là tình trạng chấn thương của ngôi sao Ismail Ahmed, đội trưởng của CLB Al Ain. Zaccheroni cho biết: “Cậu ấy đang trải qua quá trình trị liệu với các chuyên gia thể lực và đã bước ra sân tập luyện hôm thứ Năm. Chúng tôi sẽ tiếp tục quan sát quá trình tập luyện của cậu ấy trong buổi tập cuối cùng để đưa ra quyết định, dù chúng tôi đã có đội hình đầy đủ để tiếp Bahrain”.
Graham Arnorld (Australia)
Chiến lược gia người Australia, cũng giống như HLV Park Hang Seo của Việt Nam, từng có cơ hội làm trợ lý cho “thầy phù thủy” Guus Hiddink. Vị HLV 65 tuổi từng làm việc cùng HLV người Hà Lan ở Socceroos tại VCK của World Cup 2006, nơi tuyển Australia giành quyền lọt vào vòng đấu loại trực tiếp.
Ở kỳ World Cup trên đất Đức, tuyển Australia vẫn còn đầy đủ những tài năng thuộc lứa “thế hệ vàng” như là Harry Kewell, Mark Viduka, Tim Cahill hay Brett Emeton. Họ đã ngược dòng thắng Nhật Bản 3-1, hòa Croatia 2-2 và chỉ chịu thua Brazil 0-2. Ở vòng 16 đội, Socceroos thua tuyển Italia vì một bàn thắng “oan uổng” trên chấm 11 mét, bàn thắng của Francesco Totti.
Sau khi Hiddink ra đi, Graham lên thay nhưng không thành công ở Asian Cup 2007. Sau đó, ông ra nhận “cơ ngơi riêng” ở Central Coast Mariners rồi Sydney FC, nơi ông giành ngôi vô địch A-League trong các mùa giải 2011-2012 và 2017-2018. Graham đã nhận trọng trách làm HLV trưởng tuyển Australia từ ngày 17-4, thế vai Bert van Marwijk (Hà Lan), người không thể đưa Socceroo vượt qua vòng bảng ở VCK World Cup 2018.
Tuyển Australia được xem là ứng viên nặng ký cho ngôi vô địch năm nay, không chỉ là vì họ đang là nhà ĐKVĐ của Asian Cup, mà còn vì họ có được sự chuẩn bị rất tốt và chuỗi trận chạy đà cực kỳ thành công. Kể từ khi tiếp quản Australia “nhiệm kỳ 2”, Graham đã giúp các học trò sở hữu chuỗi 4 trận bất bại, trong đó có trận thắng Kuweit 4-0, hòa Hàn Quốc (cũng là 1 ứng viên nặng ký) với tỷ số 1-1, thắng Lebanon 3-0 và mới đây nhất là thắng Oman đến 5-0.
Carlos Queiroz (Iran)
Nhà cầm quân người Bồ Đào Nha vốn không mấy xa lạ với các CĐV của Manchester United. Ông từng là “cánh tay phải” của “bố già” Alex Ferguson, thời MU đang hùng cứ Premier League. Sau khi cảm thấy “đủ lông đủ cánh”, ông đã “bay sang” Real Madrid để hiện thực hóa giấc mơ hùng bá một phương. Tuy nhiên, ông đã thất bại ở đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha, và bị sa thải chỉ sau 10 tháng. Queiroz sau đó quay lại MU để tiếp tục làm trợ lý cho Sir Alex và gặt hái thêm nhiều thành công trong vai trò “kẻ thứ 2”.
Tuy vậy, Queiroz lại nổi tiếng hơn khi làm HLV ở cấp đội tuyển quốc gia. Hồi năm 2002, ông đã đưa tuyển Nam Phi lọt vào VCK World Cup. Hồi năm 2010, ông lại đưa tuyển Bồ Đào Nha lọt vào VCK World Cup và giúp tuyển Iran lọt vào VCK World Cup 2014. Hồi mùa Hè năm ngoái, ông tiếp tục đưa tuyển Iran chinh chiến ở VCK World Cup trên đất Nga, nơi tuyển Iran đã chơi cực hay.
Trong suốt 8 năm lèo lái con thuyền Iran, dù chưa bao giờ đưa đội bóng Tây Á này đạt được thành tích cụ thể (Iran chỉ lọt đến tứ kết ở 2 kỳ Asian Cup gần đây, trong các năm 2011 và 2015, họ cũng không giành được danh hiệu ở giải vô địch Tây Á), nhưng sự dày dạn kinh nghiệm là điều giúp Queiroz sẽ ở lại với Iran cho đến hết Asian Cup năm nay, sau đó, ông sẽ sang làm HLV của tuyển Colombia. Ở giải đấu cuối cùng nắm Iran, Queiroz đương nhiên muốn làm điều gì đó thật ý nghĩa.
Mới đây nhất, Queiroz đã kêu gọi Chủ tịch của LĐBĐ Iran là ông Mehdi Taj hãy bảo vệ Team Melli (biệt danh của tuyển Iran) trước “những con cá sấu”, ám chỉ giọng điệu của giới truyền thông, vốn không hề ưa ông, và dư luận. Queiroz cho biết: “Chúng tôi muốn đội tuyển tham gia kỳ Asian Cup lần này với sự tập trung cao độ, và tôi muốn ngài Taj bảo vệ chúng tôi khỏi những kẻ gây phiền nhiễu. Các quan chức LĐBĐ Iran nên học hỏi từ quá khứ và phải bảo vệ chúng tôi khỏi những kẻ gây tổn hại cho mục tiêu chung. Chúng tôi phải được bảo vệ khỏi những con cá sấu”.
Srecko Katanec (Iraq)
HLV người Slovenia từng dẫn dắt nhiều đội bóng, như là Macedonia, Olympiakos, UAE, rồi Slovenia trong 2 giai đoạn, nhưng ông vẫn được nhớ đến với những gì đã làm được với tuyển Slovenia ở VCK Euro 2000 và VCK World Cup 2002. Ở giải vô địch châu Âu diễn ra tại Bỉ và Hà Lan, tuyển Slovenia của Katanec, với Zlatko Zahovic (từng chơi cho Porto và Benfica) là nổi bật nhất, đã xếp chót bảng C với thành tích 2 điểm, nhưng khiến mọi người phải nhớ với trận đấu mở màn cùng với tuyển Nam Tư.
Ở trong trận đấu đó, Slovenia của Katanec đã vượt lên dẫn trước 3-0 chỉ sau 57 phút đầu tiên (Zahovic lập “cú đúp”), khiến cho tuyển Nam Tư của những Savo Milosevic, Sinisa Mihajlovic, Dragan Stojkovic và Predag Mijatovic… phải chơi hộc tốc trong những phút còn lại mới có thể gỡ hòa 3-3.
Còn ở VCK World Cup 2002, tuyển Slovenia của Katanec không giành được điểm số nào, chấp nhận bị loại sau 3 trận toàn thua, thua Tây Ban Nha 1-3, thua Nam Phi 0-1 và thua Paraquay 1-3. Sau này, trong giai đoạn từ 2013-2017, ông cũng từng quay trở lại với cương vị HLV trưởng tuyển Slovenia, nhưng không đạt thêm thành công đặc biệt nào.
Chỉ mới nắm tuyển Iraq từ hồi tháng 9 năm ngoái, Katanec chưa có đủ thời gian tạo dấu ấn. Tuyển Iraq dưới thời của ông mới đạt được tỷ lệ chiến thắng là 33,33% (với 2 trận thắng, 3 trận hòa và 1 trận thua). Tuyển Iraq của Katanec được xem là đích nhắm để Những chiến binh áo đỏ Việt Nam của HLV Park Hang Seo tranh ngôi nhì bảng, hoặc ít nhất là giành 1 điểm trong cuộc đối đầu sẽ diễn ra vào ngày 8-1.
Marcello Lippi (Trung Quốc)
Trong số các HLV nổi tiếng đang tụ hội ở UAE, phải nói Lippi là người danh tiếng nhất. Sự nghiệp của ông đầy rẫy những danh hiệu chói lóa – ngôi vô địch World Cup hồi năm 2006 cùng tuyển Ý, 5 danh hiệu Serie A cùng Bà đầm già thành Turin, và ngôi vô địch UEFA Champions League trong mùa giải 1995-1996. Ông cũng từng thắng Coppa Italia, Siêu Cúp nước Ý, rồi Siêu Cúp châu Âu. Lưu lạc sang Trung Quốc, ông cũng đã thắng 3 ngôi vô địch Trung Quốc và AFC Champions League cùng với CLB Guangzhou Evergrande.
Đặc biệt, ngôi vô địch World Cup mà ông giành được cùng Azzurri hồi năm 2006, với đội hình gồm những Gianluigi Buffon, Fabio Cannavaro, Andrea Pirlo, Gennaro Gattuso, Francesco Totti, Alessandro Del Piero… là một danh hiệu đầy rẫy bất ngờ, khi làng bóng đá Ý đang ngập ngụa trong bùn đen của trò chơi dàn xếp tỷ số.
Tuy nhiên, kể từ khi tiếp quản đội tuyển Trung Quốc từ năm 2016 đến nay, Lippi bắt đầu bị xem là “lỗi thời”, và cũng một phần là do tiền lực “ảo” của bóng đá Trung Quốc. Tuyển Trung Quốc dưới thời của ông chỉ đạt tỷ lệ giành chiến thắng khá khiêm tốn, là 28% (với 7 trận thắng, 9 trận hòa và 9 trận thua, không giành được vé tham dự VCK World Cup và chỉ xếp hạng 3 ở giải vô địch Đông Á.
Sven Goran Eriksson (Philippines)
Ông thầy người Thụy Điển là một người quá quen mặt với khán giả hâm mộ bóng đá Việt Nam. Ông từng giúp tuyển Anh với những David Beckham, Micheal Owen, Ashley Cole, Owen Hargreaves, và sau này là Steven Gerrard, Frank Lampard, John Terry… chơi không tồi ở 2 kỳ giải VCK World Cup 2002 và 2006, tơi Tam sư đều lọt đến tứ kết.
Ông cũng từng là thầy của những tên tuổi như Hernan Crespo, Pavel Nedved, Marcelo Salas, Juan Sebastian Veron… ở Lazio thời đầu thập niên 2000, hay là thầy của những Joe Hart, Martin Petrov, Dietmar Hamann, Elano, Stephen Ireland… ở Manchester City, thời tỷ phú người Thái Lan Thaksin Shinawatra làm Chủ tịch.
Cuộc đời bôn ba của Eriksson kinh qua 10 CLB khác nhau, bên cạnh các đội tuyển quốc gia như là tuyển Anh, Mexico, Bờ Biển Ngà, và gần đây nhất là Philippines, đội tuyển luôn phải thua “tâm phục khẩu phục” trước tuyển Việt Nam. Eriksson được xem là tiêu biểu của lừa HLV kiểu cũ, chỉ dựa trên những học trò tên tuổi, nhưng cũng không tạo ra được dấu ấn gì đặc biệt, ngay ở thời đỉnh cao.
Hector Cuper (Uzbekistan)
Cuper được xem như là “một trong những HLV số nhọ”, khi không thể giành ngôi vô địch UEFA Champions League, dù đã từng đưa Valencia tiến vào 2 trận chung kết liên tiếp trong các năm 2000 và 2001. Hồi năm 2000, Valencia của Cuper, với Santiago Canizares, Gaizka Mendieta, Kily Gonzalez, Claudio Lopez… đã thua thảm 0-3 trong trận chung kết trước Real Madrid hùng mạnh. Còn hồi năm 2001, họ đã gục ngã trước Bayern Munich, sau loạt sút luân lưu, sau khi hòa nhau 1-1 trong 120 phút thi đấu.
Sau thời Valencia, rồi nắm Inter Milan (từng đưa đội bóng đến bán kết UEFA Champions League mùa giải 2002-2003 trước khi thua AC Milan vì luật bàn thắng sân khách), Cuper không còn giữ được phong độ cầm quân đỉnh cao, ông chuyển sang các CLB châu Âu có trình độ thấp hơn và giờ đây chỉ chuyên làm việc ở châu Á.