Đáng nói là nhà đương kim vô địch Filippo Ganna sau khi đánh bại Ashton Lambie ở giải năm ngoái, cũng là người thống trị nội dung cá nhân tính giờ thế giới (xe đường trường) lại có màn thi đấu kém ấn tượng ở vòng loại nên không thể có mặt ở lượt đua chung kết.
Ở nội dung pursuit cá nhân, 22 tay đua sẽ chạy vòng loại tính thời gian. Hai tay đua có thời gian tốt nhất sẽ bước vào chung kết, hai tay đua xếp thứ ba và thứ tư sẽ tranh HCĐ. Filippo Ganna có thành tích đáng thất vọng là 4 phút 6,402 giây, chỉ xếp thứ ba nên phải ngậm ngùi trở thành khán giả bất đắc dĩ của lượt chạy chung kết.
Để vớt vát chút danh dự trong ngày trở thành cựu vô địch, Filippo Ganna đã chiến thắng trước Claudio Imhof (Thuỵ Sĩ) ở cuộc tranh HCĐ. Đáng nói là ở đợt chạy này, Filippo Ganna rất cố gắng với mục đích xô ngã kỷ lục thế giới của Ashton Lambie để “phục hận” nhưng bất thành.
Ở vòng đua tranh HCV, Ashton Lambie (thành tích vòng loại là 4 phút 3,237 giây) đối đầu với Jonathan Milan (thành tích vòng loại là 4 phút 5,785 giây), đồng hương người Ý của Filippo Ganna.
Jonathan Milan tự tin vào sức trẻ đã sớm vượt lên dẫn trước ở vòng đầu tiên và duy trì lợi thế này trước Ashton Lambie trong hai vòng đua 250m tiếp theo. Tuy nhiên, ở mốc 1.000m, Ashton Lambie đã vượt lên.
Sau 2.000m, Ashton Lambie đạt thời gia 2 phút 4,889, hơn Jonathan Milan 0,4 giây, nhưng kém khá xa thành tích khi phá kỷ lục thế giới 2 tháng trước tại Mexico. 3.000m, hai tay đua vẫn chỉ cách nhau nửa giây. Nhưng ở 1.000m cuối, Ashton Lambie bất ngờ tăng tốc khiến Jonathan Milan phải cắm đầu rượt đuổi nhưng khoảng cách ngày càng rộng hơn.
Kết quả là Ashton Lambie đã giành chiến thắng với thời gian 4 phút 5,060 giây, hơn 1,089 giây so với Jonathan Milan. Đây là lần đầu tiên Ashton Lambie đăng quang ngôi vô địch thế giới ở nội dung pursuit cá nhân nên đã ăn mừng vô cùng phấn khích. Anh cũng là tay đua Mỹ đầu tiên chiến thắng nội dung này kể từ khi Taylor Phinney đăng quang năm 2010.