Góc tư vấn của bác sĩ Lương Lễ Hoàng
Ai cũng mong được nghỉ khi mệt, nhưng trên thực tế ai cũng muốn nếu còn sức “chơi tới bến” thì cứ việc “làm tới nơi”. Giữa lý thuyết và thực tế bao giờ cũng có một khoảng cách nào đó, xa gần tùy hoàn cảnh cá biệt. Tuy ai cũng “tận nhân lực” nhưng nhiều người chưa kịp “tri thiên mệnh” thì lực đã “bất tòng tâm”, vì giai đoạn thứ 3 và thứ 4 trong chu trình “sinh-lão-bệnh-tử” không mời lại đến quá sớm. Chính vì thế mà nếu có cách nào tạm hoãn được ngày lên xe tuy cũng kết hoa, nhưng toàn là vòng hoa thương tiếc, thì tốt biết mấy cho người muốn sáng mai này mình vẫn có mặt trong chốn hồng trần.
Theo các nhà nghiên cứu ở Đại học Y khoa Honolulu, muốn sống thọ là “chuyện nhỏ” vì tế bào về mặt cấu trúc thừa sức kéo dài đến 100 năm. Kẹt chỉ ở chỗ muốn được vậy cần một vài điều kiện không… nhỏ! Theo các thầy thuốc ở hòn đảo nổi tiếng về cảnh đẹp và người đẹp, không quá khó để sống đến 85 tuổi nếu trong độ tuổi từ 40 đến 55 chịu khó vượt qua 6 chướng ngại dưới đây:
1- Đừng hút thuốc, vì mỗi năm hút thuốc từ tuổi 40 làm giảm 3 năm tuổi thọ;
2- Đừng béo phì. Phải cố gắng giảm cân cho bằng được, nếu chỉ số BMI (trọng lượng / chiều cao x chiều cao cơ thể) cao hơn 25. Do đó phải vừa theo dõi thể trọng thường xuyên vừa kết hợp biện pháp thể dục thể thao để đốt hết lượng mỡ thừa từ chuyện mạnh miệng với rượu thịt, với thói quen ngồi quá lâu trước máy truyền hình, máy tính hay sau bàn giấy;
3- Đừng để huyết áp vượt cao hơn 140/90 mmHg. Cần lưu ý, stress là một trong các nguyên nhân khiến huyết áp nhích dần lên cao như giá hàng tiêu dùng. Vì thế, bên cạnh biện pháp thư giãn và nghỉ xả hơi định kỳ, phải đến thầy thuốc để được điều trị đúng bài bản cho dù huyết áp chưa hẳn lúc nào cũng cao mà chỉ dao động khi cao khi thấp;
4- Đừng uống hơn 2 ly bia hay rượu mạnh mỗi ngày. Ngược lại, việc uống 2 ly rượu vang đỏ, 1 ly sau mỗi bữa ăn, rất tốt vì nó chứa nhiều hoạt chất kháng oxy-hóa, nghĩa là chống hiện tượng xơ vữa mạch máu, thoái hóa xương khớp hay biến thể ác tính của tế bào. Nhưng đừng lẫn lộn giữa 2 ly và 2 … chai;
5- Đừng quên vận động mỗi ngày tối thiểu nửa giờ. Không cần chọn hình thức căng thẳng, cũng không cần cường độ thái quá. Bách bộ cũng đủ rồi, nhưng đều đặn mỗi ngày;
6- Đừng để đường huyết tăng cao. Do đó phải tầm soát bệnh tiểu đường định kỳ mỗi 6 tháng, mỗi 3 tháng càng tốt, để kịp thời thay đổi chế độ dinh dưỡng và nếp sinh hoạt dưới sự hướng dẫn và theo dõi của thầy thuốc.
Theo bác sĩ Willcox, Học viện Nghiên cứu về bệnh tim ở Honolulu, người điều hành mô hình nghiên cứu với hơn 5.000 đối tượng, số người sống thọ đến hơn 85 tuổi nhờ không vướng mắc 6 vấn đề vừa đề cập là 70%. Ngược lại, số người sống được đến tuổi 80:
+ Không hơn 50% nếu bị kẹt 2 trong 6 điểm kể trên;
+ Chỉ còn 40% nếu vướng đến 3 điểm;
+ Chỉ là 20% nếu lãnh đủ cả 6 điểm.
Nên chủ động giành lấy định mệnh trong tay hay phó mặc may rủi theo kiểu biết đâu mình thuộc nhóm 20%?.