Giai đoạn đầu giải hay nghỉ giữa giải, VFF và VPF thường tổ chức các lớp phổ biến thêm về Luật bóng đá cho các cầu thủ. Việc làm này nhằm giúp nâng cao kiến thức, dần tạo nhận thức và hành động “theo lề lối” hơn cho các cầu thủ. Những thông tin dạng này thường ít người chú ý, nhưng thực sự rất có ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là vì sao các cầu thủ, ngay từ nhỏ, đã được biết luật và thường có các lớp tập huấn đầu/giữa mùa nhưng vào sân là dễ quên bén những bài học?
Nhận thức kém về mặt luật có thể dẫn đến những hành vi không chuẩn mực, phạm luật. Song, trong làng bóng đá Việt, luật đôi khi lại bị “đè” bởi những cái đầu biết luật nhưng “bốc” lên là sẵn sàng bất chấp tất cả, không chỉ với cầu thủ mà với ngay cả lãnh đạo CLB. Thực tế ở lượt đi V-League 2017 cho thấy rất nhiều hình ảnh như vậy. Ngoan hiền, học giỏi như HAGL mà có lúc còn nhảy bổ ra phản ứng nữa là. Hành trình suốt 17 năm của V-League, từng có rất nhiều cá nhân, tập thể lãnh án nặng, thậm chí là án điểm, nhưng mọi việc có chiều hướng ngày càng khó kiểm soát.
Cái này lại quay về với chữ niềm tin. Các thành viên tham gia giải dường như không có niềm tin và độ “trong sáng” của nhau, tin vào tiếng còi trọng tài là thẳng thắn mà thường khẳng định tiếng còi “có vấn đề tư tưởng”. Và vì vậy, khán giả còn chẳng có ký lô trọng lượng nào khi các cầu thủ, HLV hay lãnh đạo CLB phản ứng nữa là những trang luật, các lớp rao giảng về luật ngắn hạn.
Đấy là lý do vì sao các nhà tổ chức cố chứng minh giải bóng đá là chuyên nghiệp nhưng chẳng mấy ai tin. Đơn giản, trong ý thức hành động chưa có chữ chuyên nghiệp thì mãi mãi hành động chỉ là việc “diễn” vụng về, và không sớm thì muộn cũng bộc lộ tính chất nghiệp dư. Chưa kể, về tổng thể vận hành, bóng đá Việt cơ bản vẫn chỉ là “nghiệp dư hưởng lương cao” mà thôi.
… đến HLV của đội U15 Thanh Hóa đe dọa cầu thủ Hà Nội.Ảnh: T.L
Từ lớp học đến sân bóng, quả là đường xa vạn dặm…