Quy định hời hợt, hậu quả nặng nề

Sau khi VFF cho phép các thành viên được đề cử bổ sung những ứng viên cho Đại hội khóa 8, đã có một số cái tên gần như không ai biết và cũng chưa có hoạt động bóng đá cụ thể nào, đã xuất hiện. Tình hình rối ren trước đại hội lại có khả năng hỗn loạn hơn.

Cuộc đua vào "ngôi nhà VFF" khóa VIII diễn biến ngày càng khó lường. Ảnh: MINH HOÀNG
Cuộc đua vào "ngôi nhà VFF" khóa VIII diễn biến ngày càng khó lường. Ảnh: MINH HOÀNG

Trong điều lệ VFF năm 2014 có qui định những ứng cử viên cho thành phần Ban chấp hành mới:  “Chỉ cần 1 đề cử cũng được tham gia bầu”. Đây là tiêu chí rất quan trọng trong các cuộc bầu cử nhưng lại thể hiện sự lỏng lẻo, hời hợt đến khó tin.

Hãy tưởng tượng một kịch bản thế này: Ví dụ như ở ghế phó chủ tịch tài chính, ứng viên Trần Anh Tú nhận được 70% phiếu đề cử, rồi lại xuất hiện một ông X không ai biết nhưng lại được tham gia nhờ có đúng 1 đề cử từ một CLB hạng nhì nào đó chẳng hạn. Nếu kết quả bầu cử ông Tú thắng thì còn dễ hiểu, đặt trường hợp ông X kia giành đa số phiếu bầu ở đại hội thì việc bầu bán có khác nào trò hề?

Bầu Đức từng bảo có tiêu cực tại VFF khi ông Trần Anh Tú nhận được nhiều đề cử. Điều này chưa biết đúng hay sai, nhưng nếu ông Tú không thắng ở đại hội trong trường hợp ví dụ trên, thì đó mới thực sự là tiêu cực.

Quy định hời hợt, hậu quả nặng nề ảnh 1
Hay chuyện ứng cử viên Cấn Văn Nghĩa ở chiếc ghế chủ tịch VFF chẳng hạn. Những ứng viên như đương kim Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn, ông Lê Quý Phượng, ông Nguyễn Công Khế nói cho cùng cũng đã quá quen mặt với cộng đồng bóng đá, nhưng ông Nghĩa bao lâu nay chỉ được biết đến với vai trò quản lý ở sân Mỹ Đình, hầu như không liên quan gì đến bóng đá Việt Nam. Vậy mà cũng có đề cử và cũng có thể trở thành tân chủ tịch dù chưa ai xác định được vai trò của ông với bóng đá Việt Nam như thế nào.

Do VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp nên công dân đều có quyền tự ứng cử cho các chức danh quan  trọng. Chính vì vậy, lẽ ra, cần có qui định là các ứng viên phải nhận được tối thiểu bao nhiêu % đề cử thì mới được xem xét đưa vào danh sách bầu.

Đây được xem là một “rào cản kỹ thuật” nhằm hạn chế sự mất tập trung khi tiến hành bầu bán. Hơn nữa, có qui định như thế, thì người muốn tham gia VFF mới bỏ công làm công tác vận động hành lang, thuyết phục các thành viên bằng những chương trình hành động cụ thể nhằm tìm đủ phiếu đề cử cho mình, sau đó tiếp tục vận động để tăng tỷ lệ thắng cuộc.

Đằng này, chính qui định của VFF là nguyên nhân làm phát sinh tiêu cực. Thay vì tự chứng minh năng lực của mình để thu hút phiếu bầu, người ta có xu hướng tập trung “bôi bẩn” hình ảnh các đối thủ nhằm phân tán phiếu bầu sang cho người khác, trong đó có mình. Đây là nguồn gốc của những ồn ào vừa qua liên quan đến chiếc ghế phó chủ tịch tài chính và sắp đến là những chiếc ghế còn lại.

Sự hời hợt, lỏng lẻo trong qui chế bầu cử này còn dẫn đến hệ lụy: Càng có nhiều sự tranh giành, đấu đá, nói xấu nhau thì càng khiến những người thực sự tâm huyết chán ngán, không muốn tự ứng cử vào VFF. Một người có uy tín, được giới bóng đá biết đến như tỷ phú, chủ tịch tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long đang được vận động để gật đầu tham gia VFF, có khi phải đi tranh đấu giành ghế với một nhân vật nào đó không ai biết đến nhưng vẫn được đề cử thông qua vài mối quan hệ nào đó.

Chưa biết thắng thua ra sao, nhưng rõ ràng uy tín của ông Long sẽ bị ảnh hưởng, đương nhiên là ông từ chối ngay từ “vòng gởi xe”.

Tin cùng chuyên mục