Theo thông tin từ lãnh đạo VFF, việc tìm HLV cho đội tuyển có thể phải kéo dài đến cuối năm. Việc này là cần thiết để VFF, hội đồng HLV quốc gia và các bộ phận chức năng có đủ thời gian, điều kiện không chỉ tìm được một nhân vật phù hợp mà còn thích ứng với chiến lược phát triển chung của bóng đá Việt Nam. Cách làm thận trọng này được dư luận đồng tình.
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến quyết tâm đeo đuổi một mục đích khác, xa lạ và đi ngược lại mong muốn của người hâm mộ nói chung. Từ cuộc họp nghe báo cáo nguyên nhân và rút kinh nghiệm về thất bại tại SEA Games do VFF tổ chức ngày 12-9, một vài ý kiến “phân tích” khiến cho người hâm mộ càng thêm rối, trong khi mục tiêu bây giờ là thực hiện cho được lộ trình phát triển của bóng đá Việt Nam chứ không cần công kích và đòi thay ê kíp.
HLV Hữu Thắng đã khá cầu thị khi thừa nhận nguyên nhân thất bại là do những thiếu sót chủ quan của mình, trong đó tựu trung hai vấn đề là chưa giải quyết được tâm lý cầu thủ và việc xoay vòng cầu thủ chưa hợp lý. Trên bình diện chuyên môn, đây hoàn toàn là yếu kém chủ quan của HLV và ban huấn luyện, đồng thời cũng có phần thiếu chuyên nghiệp của các tuyển thủ quốc gia vốn đã được trui rèn qua quá nhiều giải đấu.
Bóng đá Việt Nam đã quá nhiều lần chứng kiến sự can thiệp của VFF vào công việc của HLV và ban huấn luyện, nhất là giai đoạn mà thầy ngoại cầm quân. Khi đó, dư luận truyền thông phản ứng gay gắt, đòi trả lại vai trò đúng nghĩa cho HLV. Điều này đúng và các nền bóng đá thế giới đều làm vậy, liên đoàn không nên và không được can thiệp quá sâu vào chuyên môn, bởi trách nhiệm đó là của ban huấn luyện, trong đó vai trò thuyền thưởng là quan trọng nhất.
Bóng đá Việt Nam đã quá nhiều lần chứng kiến sự can thiệp của VFF vào công việc của HLV và ban huấn luyện, nhất là giai đoạn mà thầy ngoại cầm quân. Khi đó, dư luận truyền thông phản ứng gay gắt, đòi trả lại vai trò đúng nghĩa cho HLV. Điều này đúng và các nền bóng đá thế giới đều làm vậy, liên đoàn không nên và không được can thiệp quá sâu vào chuyên môn, bởi trách nhiệm đó là của ban huấn luyện, trong đó vai trò thuyền thưởng là quan trọng nhất.
HLV Hữu Thắng
VFF đã lắng nghe và chịu sửa đổi, từ đó đến nay ít can thiệp sâu vào việc người khác. Thời HLV Calisto hay gần đây là Miura đều được giao toàn quyền chuyên môn và bản thân những nhà cầm quân chuyên nghiệp này đều hiểu trách nhiệm của mình. Vậy mà giờ đây, sai lầm của HLV Hữu Thắng dù đã được HLV này nhìn nhận, cũng lại bị lái sang trách nhiệm VFF. Thật ra VFF chịu trách nhiệm lớn hơn chứ không phải chịu thay trách nhiệm của HLV, vậy mà chính những người trước đây đòi độc lập cho ban huấn luyện thì giờ đây lại đòi VFF phải can thiệp sâu, nhắc nhở cho HLV! Cho rằng không ai kèm cặp, nhắc nhở để HLV sai lầm dẫn đến thất bại của đội tuyển thật sự là một quan điểm ấu trĩ.
Vấn đề giờ đây là cần ủng hộ xu hướng đổi mới. Tiêu chí tuyển chọn HLV khắt khe là điều tốt. Tuy nhiên, người hâm mộ mong muốn VFF và cao hơn là ngành thể dục thể thao hãy mạnh dạn thực hiện lộ trình từ đầu nhiệm kỳ VFF đã đề ra, không nhất thiết phải chạy theo thành tích theo kiểu “không có vàng SEA Games sẽ từ chức”. Khi có một ban huấn luyện phù hợp với một thuyền trưởng tài năng thì bóng đá Việt Nam sẽ không còn phải nghe mãi điệp khúc thua do tâm lý. Bóng đá hiện đại không bao giờ chấp nhận thất bại bởi yếu tố này vì đội tuyển là một tập thể tài năng, chuyên nghiệp. Nếu họ vẫn bị tâm lý thất thường trong thi đấu thì có lẽ chưa xứng để có mặt trong đội bóng phong trào chứ nói gì đến đội tuyển quốc gia.