Bài toán khán giả

Mùa giải 2015, số lượng khán giả đến sân đạt trung bình 7.800 khán giả/trận nhưng đến năm 2017 chỉ còn khoảng 6.000 khán giả/trận
Khán đài TPHCM trở nên “lành lạnh” ở lượng khán giả đến sân. Ảnh: Dũng Phương
Khán đài TPHCM trở nên “lành lạnh” ở lượng khán giả đến sân. Ảnh: Dũng Phương

Trong ba mùa giải gần đây, V-League 2017 chứng kiến lượng khán giả giảm đáng kể. Không buồn sao được khi mùa giải 2015, số lượng khán giả đến sân đạt trung bình 7.800 khán giả/trận nhưng đến năm 2017 chỉ còn khoảng 6.000 khán giả/trận (làm tròn – cùng tính sau lượt đi). Một giải đấu chưa thu hút được khán giả đến sân, nhưng lại trở thành đề tài bàn tán suốt lượt đi ở sự cố trọng tài, phản đối trọng tài, lãnh đạo “đá đểu” nhau. Đây là điều không bình thường cho một giải đấu mang danh chuyên nghiệp.

Bên cạnh những sân bóng vẫn giữ mức khán giả cao và ổn định như Thanh Hóa, Cẩm Phả, Pleiku, Hòa Xuân,  Nha Trang… thì vẫn còn nhiều “bữa tiệc” bóng đá bị thờ ơ: Sân Thống Nhất có những trận chỉ thu hút được 1.000 khán giả/trận khi diễn ra các trận đấu của Sài Gòn, TPHCM; sân Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Quảng Nam, Hàng Đẫy… cũng trở nên “lành lạnh” ở lượng khán giả đến sân.

Chắc chắn, để giải quyết được bài toán trên cần rất nhiều biện pháp, làm đồng bộ. Nhưng làm sao có thể thực hiện trong bối cảnh hiện nay mới là vấn đề. Khi mà các đội bóng còn không tin nhau, không tin vào tiếng còi của trọng tài và sẵn sàng phản ứng bất chấp hậu quả thì làm sao khán giả có thể tin tưởng chất lượng “bữa tiệc”, bỏ tiền ra mua vé. Có vẻ khá nghịch lý nhưng lại là thực tế ở bóng đá Việt Nam: Ai cũng hô hào làm chuyên nghiệp, đặt khán giả làm trung tâm, thậm chí ra nước ngoài “tham quan học tập mô hình bóng đá chuyên nghiệp” nhưng trên sân thì phản ứng rất nghiệp dư và “quên” khán giả rất nhanh.

Sau cơn bão lớn mà bóng đá Việt Nam từng trải qua cách đây vài năm, khi có hàng loạt đội bóng giải tán, những nhà quản lý bóng đá giật mình: Các CLB tại Việt Nam không có “chân đế” tốt – không có nguồn thu từ khán giả, mà chỉ dựa vào tiền từ một ông bầu nên tương lai khó nói trước. Có lúc, V-League từng manh nha dấy lên phong trào xây dựng mô hình CLB chuẩn chuyên nghiệp theo các nền bóng đá phát triển, từ việc nhận diện thương hiệu, khai thác thương mại (chủ yếu thông qua hình thức bán vé, bán quà lưu niệm, quần áo…) nhằm đa dạng nguồn thu. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy các tín hiệu lớn mạnh của phong trào.

Tin cùng chuyên mục