Xuyên suốt 12 lần tổ chức V-League từ trước đến nay, V-League đã chứng kiến nhiều phi vụ chuyển nhượng thuộc loại “đình đám”. Từ những hợp đồng lớn mà người ta thường gọi là “bom tấn” cho đến những phi vụ phải đưa ra VFF phân xử, mà đến nay Đồng Tháp là nơi “bị” kiện nhiều nhất. Nhưng tất cả các trường hợp kiện cáo, Đồng Tháp đều thắng.
Có thể nói cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo Đồng Tháp đã và đang rải đều trên nhiều CLB, từ Bắc vào Nam. Từ HN T&T, Hải Phòng, HAGL, Kiên Giang, An Giang, Bình Dương, ĐTLA, Đồng Nai, Cần Thơ… và cả 2 đội bóng trước đây của TPHCM là Navibank SG và XMXT Sài Gòn đều có sự xuất hiện của cầu thủ Đồng Tháp.
Không chỉ cầu thủ, ngay cả HLV của Đồng Tháp cũng dễ kiếm việc hơn nhiều nơi khác nhờ vào việc họ lành tính và làm việc hết mình. Đó là những Phạm Anh Tuấn (Đồng Tháp - Tây Ninh), Trần Công Minh (Đồng Tháp-ĐTLA-Đồng Tháp), Phạm Công Lộc (Đồng Tháp - Navibank SG - Đồng Tháp), Lại Hồng Vân (Đồng Tháp - Kiên Giang). Nhưng nổi bật nhất chính là ông Đoàn Minh Xương, từ khi rời Đồng Tháp ông đã trải qua 4-5 CLB và nay đang là chuyên viên về Bóng đá Học đường của HFF.
Đồng Tháp đang là lò đào tạo thủ môn có giá với 2 "sản phẩm" Tấn Trường và Bửu Ngọc (phải). Ảnh: Quang Minh - Dũng Phương
Lịch sử bóng đá Đồng Tháp đã nhiều phen trải qua giai đoạn khó khăn, mà chuyện suýt bị giải thể như mới đây thì không phải là lần đầu tiên. Nhưng dù trong những giai đoạn khó khăn, Đồng Tháp vẫn vượt qua được nhờ vào sự đam mê của người hâm mộ và sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh.
Xuyên suốt hành trình 12 năm vừa qua, Đồng Tháp đã “cung cấp” nhiều thế hệ cầu thủ cho cả V-League. Bằng hướng thương thảo theo kiểu chuyển nhượng cũng có, và thậm chí không ít lần xảy ra kiện tụng. Khởi đầu bằng vụ việc cách đây cả chục năm khi hậu vệ Lê Quang Trải từ Đồng Tháp lên phố núi đầu quân cho HAGL, sự việc mà sau đó VFF đã phải vào cuộc để làm trọng tài. Sau đó là lứa của Văn Pho, Quý Sửu cũng từng “chọc giận” lãnh đạo bóng đá tỉnh này mà suýt nữa cả 2 đã bị… nhập ngũ. May mà sau cùng, mọi chuyện cũng được xử lý êm đẹp. Mới đây đến lượt trường hợp của thủ môn Bửu Ngọc, cũng dự định ra đi theo dạng… tình cảm, nhưng lãnh đạo đội bóng này đã cương quyết nói không.
Điều thú vị là trước đây, bóng đá Bình Định vốn nổi tiếng là lò đào tạo thủ môn với những Dương Ngọc Hùng, Nguyễn Văn Cường, Trần Minh Quang, Tô Vĩnh Lợi thì nay phải nói đến Đồng Tháp. Hai thủ môn Tấn Trường và Bửu Ngọc đã “bỏ túi” trên 15 tỷ đồng từ XMXT Sài Gòn và Cần Thơ đã cho thấy “lò” thủ môn ở nơi này đang có giá nhất.
Có những lúc tưởng như lứa cầu thủ trẻ của Đồng Tháp bị cạn kiệt do việc nhiều phen vét cầu thủ trẻ lên đội hình 1. Nhưng chưa bao giờ họ gặp khó khăn về nhân sự, đó là do sự ổn định ở cả tuyến đào tạo và sự đam mê bóng đá của người hâm mộ nơi đây. Cựu HLV Đoàn Minh Xương có lần nhận định: “Việc ra sân bằng các cầu thủ do chính mình đào tạo, cầu thủ thi đấu vì màu cờ sắc áo, vì khán giả quê nhà đã tạo nên một sự phối hợp mà ít nơi nào có được như ở Đồng Tháp. Đó là việc cầu thủ ra sân là chiến hết mình với thứ vũ khí tinh thần, và chính sự hưng phấn đó đã giữ được sự ổn định của số lượng khán giả trên các khán đài. Hai điều đó chính là “đặc sản” của bóng đá Đồng Tháp.
Quốc Cường