Với đội tuyển bóng đá Tây Ban Nha vốn mạnh về kỹ thuật và triển khai các pha tấn công bằng lối đá ban bật, kiểm soát bóng tốt. Để khắc chế lối đá trên của Tây Ban Nha, Đức đã chủ động tranh chấp bóng quyết liệt, áp sát và thậm chí sẵn sàng phạm lỗi. Thật khó để nói ai hay hơn ai trong cuộc so tài này, từ màn trình diễn kỹ thuật cho đến tốc độ cao với nền tảng thể lực tốt.
Cuộc so tài hội đủ những điều làm nên cái “chất” của bóng đá, đó là màn rượt đuổi bàn thắng, kịch tính đến những giây cuối cùng mà bàn thắng có thể ập đến lúc nào, tranh cãi về quyết định của trọng tài dù đã có công nghệ VAR… Và đội thắng sau cùng là đội tận dụng tốt hơn các cơ hội và ghi bàn.
Như tôi có lần đề cập, Tây Ban Nha ở thời điểm hiện nay đã điều chỉnh lối chơi so với trước, họ không còn vận hành lối đá chủ đạo titi taka, chú trọng kiểm soát bóng bằng việc luôn lao lên phía trước để uy hiếp cầu môn đối phương. Ở trận gặp đội tuyển Đức, có những thời điểm họ pha trộn lối chơi trên, “vờn” bóng trước vòng 16m50 của đối phương một cách đầy tự tin.
Vượt qua Đức, đội bóng vốn có có lối chơi toàn diện, Tây Ban Nha dĩ nhiên là tăng tỷ lệ dành cho ứng viên trong cuộc đua vô địch. Hàng phòng ngự của họ đã qua được “ải” khó nhất trước Đức vốn có nhiều tay săn bàn đầy uy lực. Ở vòng bán kết, “Bò tót” sẽ so tài cùng đội bóng vốn có lối đá thực dụng kiểu Pháp. Hành trình vào bán kết của Pháp thì ai cũng nhận ra, đầy… kỳ lạ khi các tiền đạo chưa ghi được bàn thắng thực thụ từ tình huống mở. Nhưng hệ thống phòng ngự của Pháp cũng rất chắc chắn, họ chỉ lọt lưới 1 bàn trước Ba Lan.
HLV Deschamps vốn đã xây dựng lối chơi này từ năm 2018, đến nay dù vẫn còn những lo ngại cho lối vận hành trận đấu cùng hiệu quả của các tay săn bàn, nhưng tôi nghĩ Pháp đang đi đúng hướng và họ vẫn còn “bài” cho cuộc đua này. Thực tế hai trận tứ kết đầu tiên, Pháp dù phải trải qua loạt đá luân lưu nhưng không mất nhiều sức so với Tây Ban Nha qua cuộc so tài với Đức.