Chính quyền Liên bang của nước Mỹ từng phát đơn kiện Armstrong ra trước Tòa án, vì hành vi “lừa đảo” trong suốt quãng thời gian khoác áo của đội đua US Postal Service và chinh phạt 7 chiếc Áo vàng Tổng sắp cá nhân ở giải đua danh tiếng Tour de France, trong giai đoạn từ năm 1999 cho đến năm 2005 (hồi năm 2005, đội đua này đổi tên thành Discovery Channell).
Trong suốt quãng thời gian đó, US Postal Service chính là bộ mặt của nước Mỹ trên đường đua xe đạp đường trường chuyên nghiệp, còn Armstrong chính là “người hùng” của nước Mỹ, với sức ảnh hưởng vượt xa cả môn đua xe đạp, thể thao thuần túy, mà vươn tầm ra đến xã hội nói chung, ở nhiều châu lục. Nhưng sự vụ Armstrong sử dụng doping để “thủ thắng” đã vỡ lở, khiến nước Mỹ cảm thấy như bị lừa.
“Chuyện này có thể khiến các bạn bị sốc”, Armstrong tâm sự trên CNBC, “Nhưng một khi bạn tổng hợp lại các chi phí đã phải chi trả cho vụ kiện, tính cả những chi phí pháp lý, chi phí luật sư, tiền dàn xếp hòa giải, và cả việc sụt giảm thu nhập thông thường, nó phải lên đến 111 triệu USD. Vâng, tôi không thể cảm thấy rằng tôi đã vượt qua chuyện đó một cách dễ dàng!”.
Để tiêu tốn những 111 triệu USD, khi bản thân không thể làm ra nhiều tiền như ngày xưa, bị người đời né tránh và nói xấu, làm sao để Armstrong làm ra tiền để bù vào, và nuôi nấng cả gia đình của mình? Đó lại nhờ vào khoản đầu tư ban đầu trị giá 100 ngàn USD, mà Armstrong, qua nhà đầu tư khởi nghiệp mạo hiểm nổi tiếng Chris Sacca, “rót vào” Công ty Uber.
“Đó là một khoản đầu tư quá tốt và quá đúng đắn”, Armstrong tâm sự, và khi được phóng viên của CNBC hỏi rằng, tổng giá trị hiện tại của cổ phiếu mà Armstrong đang nắm giữ ở Uber là bao nhiêu, 10 triệu, 20 triệu, 30 triệu hay 50 triệu USD, Armstrong đã trả lời khá thông minh: “Là một trong những khoản đó thôi. Nó là rất nhiều, nó đã cứu gia đình của tôi”.