Wimbledon: Tay vợt 15 tuổi vẫn phiêu lưu, Chủ tịch Djokovic, Phó Chủ tịch Anderson cũng chiến thắng
SGGPO
Cori “Coco” Gauff đang tiếp tục nối dài những ngày vui náo nhiệt của mình ở All England Club khi đánh bại một “nạn nhân” mới nhất - Magdalena Rybarikova, còn Novak Djokovic và Kevin Anderson - Đương kim vô địch và Đương kim á quân của giải đấu (cũng là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng các tay vợt ATP)- cũng đã giành được những chiến thắng cần thiết.
"Coco” Gauff đang là cái tên nổi nhất ở giải đơn nữ của Wimbledon 2019. Sau khi loại “đàn chị đồng hương” 37 tuổi Venus Williams (người hơn mình đến… 24 tuổi) ở vòng 1, tay vợt trẻ tuổi nhất hiện diện tại vòng đấu chính tại All England Club trong kỷ nguyên mở (nghĩa là từ năm 1968 đến nay) tiếp tục cuộc phiêu lưu diệu kỳ bằng chiến thắng có điểm số 6-3, 6-3 trước Rybarikova.
Tay vợt có biệt danh là “Coco” (khiến người ta gợi nhớ lại về “Coco” Vandeweghe tươi tắn ngày nào, cũng là một tay vợt nữ người Mỹ thành danh khi còn rất trẻ, lọt đến chung kết Australian Open và US Open trong cùng mùa giải 2017, để giờ đây “chỉm nghỉm” vì sa sút và chấn thương) đã tận dụng 3 break-point (1 trong ván 1 và 2 trong ván 2) để giành chiến thắng rất dễ.
Trước sự chú ý quá lớn của dư luận, “Coco” thừa nhận: “Tôi có thể dối trá và nói rằng, tôi vẫn cảm thấy bình thường. Nhưng sự thật mà nói, rất khó với giới truyền thông và tất cả mọi thứ khi người ta cố tập trung vào trận đấu sắp tới của tôi. Hiện nay thì, người ta vẫn đang viết nhiều điều về Venus (Williams), vì thế, tôi cố gắng tranh thủ thời gian sắp đặt lại bản thân!”.
Gauff, cô gái trẻ mang theo niềm khát khao chiến thắng, không chỉ được giới truyền thông chú ý, mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ huyền thoại Thụy Sỹ Roger Federer. Cô kể lại rằng cô từng có vinh dự được nói chuyện với Federer qua điện thoại sau khi để thua một trận đấu ở giai đoạn đầu của sự nghiệp vốn vẫn còn rất non trẻ.
Còn mới đây, Gauff đã gặp Federer khi tay vợt nam cựu số 1 thế giới đang đi ngang một sân đấu, nơi cô đang làm nóng. Federer đã dừng lại để nói chuyện với cô, và đó là một “vinh dự” lớn lao dành cho Gauff. Federer nói rằng: “Đây rồi, cô ấy đây nè! Mọi chuyện như thế nào rồi? Xin chúc mừng. Làm tốt lắm nhe”…
Ở giải đấu đơn nam, 2 tay vợt có vị thế lớn nhất, (xét cả nghĩa đen chiếu theo thành tích từ giải đấu năm ngoái, đến cả nghĩa bóng về "quyền lực hậu trường thật sự" của họ) là Djokovic và Anderson, cũng đã giành được các chiến thắng cần thiết. Tay vợt đương kim số 1 thế giới người Serbia dễ dàng đánh bại Denis Kudla với điểm số áo đảo 6-3, 6-2, 6-2 chỉ trong 92 phút đồng hồ.
Novak Djokovic
Trong khi đó, tay vợt số 1 của châu Phi là Anderson gặp nhiều khó khăn hơn khi thắng Janko Tipsarevic (đồng hương của Djokovic, luôn nổi bật trên sân đấu khi đeo mắt kiếng để thi đấu) với điểm số 6-4, 6-7 (5-7), 6-1 và 6-4 trong trận đấu thiếu 2 phút nữa thì trở thành 3 tiếng đồng hồ. Tất nhiên, với Đương kim á quân như là Anderson (cũng là hạt giống số 4), chiến thắng vẫn là điều quan trọng nhất.
Kevin Anderson
“Sự chắc chắn và tập trung vào các điểm số, là những yếu tố then chốt trong sự nghiệp thi đấu ở các kỳ giải Grand Slam của tôi trong 10 năm trở lại đây. Tôi luôn đặt mục tiêu chơi tốt ở bất kỳ giải đấu Grand Slam nào. Chất lượng của quần vợt mà tôi thể hiện ở đấu trường Grand Slam là rất cao. Điều đó cho phép tôi tạo ra những kết quả như thế này. Đó là giải thích duy nhất mà tôi có thể nghĩ đến. Tôi không nghĩ có bất kỳ đặc biệt nào ở Wimbledon hay bất cứ Grand Slam nào khác. Đơn giản chỉ là, thật sự chuẩn bị bản thân mình, nhắm đến phong độ đỉnh cao, ở bất kỳ mặt sân nào. Vì đó là những giải đấu cao nhất của quần vợt”, Djokovic nói.
Không thắng dễ như Djokovic, Anderson tiếp tục thấm thía nỗi khó nhọc khi phải đương đầu với một tay vợt đến từ… Serbia ở bên kia sân đấu. Nên nhớ, đây là Tipsarevic không còn ở phong độ đỉnh cao, chứ nếu Anderson đối đầu với một Tipsarevic chừng 7 năm về trước (khi anh này còn là một trong “bát đại cao thủ”) thì vẫn chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Janko Tipsarevic
Nhưng sao cũng được, Đương kim vô địch và Đương kim á quân, hay cũng có thể gọi là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng các tay vợt của ATP, 2 người “chịu trách nhiệm chính” quanh việc “ép” ông Chris Kermode rời khỏi vị trí Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành ATP, dẫn đến mâu thuẫn nội bộ khiến nhiều tay vợt rời khỏi vị trí trong Hội đồng, đã giành quyền vào vòng 3, nghĩa là họ sẽ tạm dành thời gian tập trung cho chuyên môn, trước mắt không nói tiếp đến “chính trị”.