Những người thầy đặc biệt
Để trở thành “cái nôi” của bóng đá nữ TPHCM, đóng góp đến 9 tuyển thủ và 2 trợ lý HLV trong tấm vé tham dự vòng chung kết World Cup 2023 của đội tuyển nữ Việt Nam, ít ai thấu hiểu được những vất vả, nhọc nhằn bên cạnh sự đam mê và tâm huyết với nghề đến từ những HLV đang làm công tác “trồng người” ở CLB Tao Đàn (thuộc Trung tâm TDTT quận 1).
“Đại bản doanh” Tao Đàn với tổng số 110 cầu thủ thuộc 3 tuyến: năng khiếu (U12, U16), đội trẻ và CLB nữ TPHCM, đếm trên đầu ngón tay chỉ khoảng chục người có gia đình ở TPHCM, còn lại mang hộ khẩu rộng khắp miền Tây sông nước và trải ngược ra tận nơi nắng gió đất miền Trung.
“Các bậc phụ huynh ở TPHCM không có hướng cho con em theo nghiệp mà chỉ định hướng theo phong trào như tham gia các giải bóng đá học đường, Hội khỏe Phù Đổng... Lý do về mặt xã hội và kinh tế ở đây đòi hỏi các em phải có bằng cấp hay học vấn cao để có thể đi làm với thu nhập cao hay ổn định hơn”, Chủ nhiệm CLB Tao Đàn, anh Đào Huy Hùng mở đầu câu chuyện tuyển sinh bóng đá nữ TPHCM.
Chính thành công của HLV Đoàn Thị Kim Chi (Bến Tre), đội trưởng Huỳnh Như (Trà Vinh), Chương Thị Kiều (Kiên Giang), Kim Thanh (Long An), Bích Thùy (Quảng Ngãi)... đã trở thành hình mẫu, tiếp thêm niềm tin cho các gia đình.
Nhờ nền móng đào tạo trẻ được xây dựng vững chắc và mối quan hệ tốt ở các tỉnh, thành bạn nên đội ngũ tuyển sinh ở Tao Đào sở hữu hệ thống vệ tinh xung quanh chất lượng. Chỉ cần nơi nào giới thiệu “ngọc thô”, các HLV ở địa phương giới thiệu bằng cách quay và gửi video, thì ban tuyển sinh ở Tao Đàn (gồm HLV Lê Hữu Đức, Lưu Ngọc Mai, Mỹ Oanh, Thùy Trang…) sẵn sàng dành thời gian tuyển chọn, nếu được sẽ không quản đường sá xa xôi đến nơi để trực tiếp tiếp xúc và thuyết phục với phụ huynh.
Song hành vào dịp hè, các tài năng ở mỗi địa phương được giới thiệu sẽ được Trung tâm TDTT quận 1 hỗ trợ phương tiện di chuyển để vào Tao Đàn tập thử trong 1-2 tháng hè. Từ đó, những nhân tố triển vọng sẽ được thi tuyển đầu vào, còn nếu không đạt thì trở về gia đình.
Dù vậy, quy trình chọn lựa của Tao Đàn rất gắt gao để đảm bảo chất lượng đầu ra. Được sự đồng ý của phụ huynh, các cầu thủ nhí vào Tao Đàn sẽ được học văn hóa song song với tập luyện và thi đấu. Nhưng trong 6 tháng đến 1 năm nếu không phát triển được thì Tao Đàn sẽ trả về địa phương, tiếp tục bổ sung nguồn mới vào. Bởi chỉ có như vậy mới có thể đảm bảo được nguồn nhân lực đầu vào và đầu ra tốt như thời gian qua.
“Nếu không tuyển đầu vào tốt thì không có chân đế vững. Bóng đá theo hình tháp, dưới đáy đông nhưng càng lên cao thì thưa dần. Thời gian đào tạo cầu thủ nữ phát triển chậm hơn nam. Nam thì có thể 1-2 năm, còn nữ phải mất thời gian 3 năm trở lên. Khi tuyển chọn đầu vào ở tuổi 12 thì đến 15 tuổi các em mới có thể khẳng định được phát triển chuyên môn”, ông Đào Huy Hùng cho biết.
Vừa làm thầy, vừa làm cha, mẹ
Nếu được vào Tao Đàn, những cô gái ở tuổi 11-12 sẽ phải thích nghi cuộc sống không có gia đình ở bên. Xa nhà là nhớ, và thủ môn Kim Thanh trước khi trở thành người gác đền số 1 của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cũng nhiều lần nước mắt lăn trên gò má, nhiều lần có ý định muốn từ bỏ đam mê.
Đào tạo bóng đá nam đã khó, nhưng với riêng công tác “trồng người” ở bóng đá nữ còn khó gấp bội lần. Vì thế, các HLV ở Tao Đàn không chỉ có công việc nâng cao về mặt chuyên môn cho các em, mà còn làm thay trách nhiệm của cha mẹ các em.
Anh Đào Huy Hùng cho biết, Trung tâm TDTT quận 1 và CLB Tao Đàn, từ ban lãnh đạo cho đến các HLV và công nhân viên cực kỳ tâm huyết với bóng đá nữ. Phải tâm huyết với công việc mới có được kết quả của ngày hôm nay. Đặc biệt với các HLV, những người thường xuyên ở bên các cầu thủ như bảo mẫu, làm thay trách nhiệm của cha mẹ các em. Họ phải xem các em như con trong nhà vì phụ huynh đã tin tưởng, giao cho mình.
“Chuyện học hành thì trực tiếp các HLV phải liên hệ với nhà trường. Làm sao cho các con có phương tiện đi học? Đến chuyện xe đạp hư cũng phải xem thế nào? Ăn ở tập trung nên các con gặp vấn đề về sức khỏe thì đêm khuya phải chạy lên chăm sóc. Mà con gái đang ở độ tuổi mới lớn thì cũng “nhạy cảm” ở chuyện phát triển tâm sinh lý. Ví dụ đợt dịch Covid-19 vừa qua, chúng tôi cũng cố gắng liên hệ với hội phụ nữ để có thể hỗ trợ về chuyện băng vệ sinh cho các con. Vậy nên, các HLV ở đây được đào tạo bài bản, bên cạnh chuyên môn cao. Trung tâm TDTT quận 1 luôn cố gắng trong khả năng của mình, nhưng cũng mong muốn các doanh nghiệp, đơn vị đồng hành, hỗ trợ. Tôi lấy ví dụ chuyện hỗ trợ về sữa. Sau khi tuyển sinh, nếu có sữa cho các em thì phát triển được về thể trạng, hình thái, trí thông minh. Nguồn đó khá khan hiếm. Trong mùa dịch vừa rồi, chúng tôi phải vận động từ xã hội giúp cho rau củ quả, mì tôm, trứng...”, anh Đào Huy Hùng nhấn mạnh.
Dẫu các nữ cầu thủ đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một niềm đam mê đá bóng, nên sống gắn bó và thân thương, đối xử với nhau như chị em trong một gia đình lớn. Các em tập luyện gắn kết và dìu dắt nhau cùng phát lộ tài năng trên sân cỏ, để ai cũng trở thành người quan trọng, trở thành mắt xích quan trọng trong lịch sử phát triển của bóng đá Việt Nam.
Trong lịch sử Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, bóng đá nữ TPHCM đang nắm giữ kỷ lục với 14 lần được trao danh hiệu Quả bóng vàng nữ: Đoàn Thị Kim Chi (4 lần), Huỳnh Như (4 lần), Đặng Thị Kiều Trinh (3 lần), Trần Thị Kim Hồng (1 lần), Nguyễn Thị Kim Hồng (1 lần) và Lưu Ngọc Mai (1 lần). |