Tại sao thành phố không có những bầu Đức (HA.GL), bầu Thắng (Đồng Tâm Long An), bầu Hiển (CLB Hà Nội)… khi tầm nhìn và những phép tính đã được dự đoán từ 20 năm trước và đi cùng với đó là một chiến lược “săn tìm”, đầu tư - đào tạo bài bản từ kỹ thuật, dinh dưỡng… Vì sao thành phố không giữ được và tiếp nối bản sắc từ những đội bóng vang danh một thời như Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Công an TPHCM?
Câu trả lời nằm ở hàng loạt vấn đề vốn được nhìn thấy và dự báo: sự phối hợp về chiến lược lẫn chiến thuật trong định hướng, đầu tư; các hoạt động từ xây dựng và nuôi dưỡng nguồn lực bóng đá trẻ, đào tạo và kế hoạch tập luyện cho 2 khối cầu thủ chuyên nghiệp và phong trào… đều chưa phát huy đúng thực chất, hiệu quả. Cụ thể nằm ở vai trò kết nối, hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiếu sự động viên tinh thần.
Tuy vẫn tổ chức giải đấu dành cho các lứa năng khiếu giữa các quận huyện, thể thao học đường… nhưng sau đó lại không sàng lọc kỹ càng những cầu thủ năng khiếu để tổ chức đào tạo chuyên biệt hơn nên chỉ dừng lại ở mức “tạo phong trào”. Vấn đề chuyển các quận huyện thành vệ tinh tuyển chọn, đào tạo cầu thủ năng khiếu học đường nhằm tạo nguồn cho bóng đá thành phố vẫn chưa được thực hiện tốt.
Trong công tác phát hiện, tuyển chọn và đào tạo năng khiếu có một thực tế, Trường Nghiệp vụ TDTT (trực thuộc Sở VH-TT TPHCM, nay đã sáp nhập vào Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TPHCM) trong suốt 10 năm qua không đào tạo được lứa cầu thủ nào thành tài, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các CLB chuyên nghiệp. Chủ yếu do những nguyên nhân như: Đầu vào yếu vì không chủ động đi tuyển chọn và chế độ đãi ngộ thấp, dẫn đến các cầu thủ có năng khiếu bị các lò đào tạo chuyên nghiệp như PVF, Viettel, HA.GL thu hút; thiếu đội ngũ HLV giỏi; hệ thống cơ sở vật chất xuống cấp...
Rõ ràng, khi nguồn lực không được đầu tư, gia cố, những “chắp vá” càng lộ rõ tính tạm thời, khó gặt hái được kết quả mong muốn. Trở lại với 2 CLB (được xem là) chuyên nghiệp của thành phố là TPHCM và Sài Gòn, những nhà đầu tư dù ít nhiều có tâm huyết vẫn chưa thật sự làm vì bóng đá chuyên nghiệp, chưa có chiến lược mang tính bền vững mà chỉ ở mức ngắn hạn nên dẫn đến sự thiếu ổn định.
Cả 2 đội đều chưa đạt chuẩn chuyên nghiệp theo quy định của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) do hệ thống các tuyến trẻ (U8, U13, U15...) có vấn đề. Chưa kể, các cầu thủ nội thì chủ yếu quy tụ tứ xứ, thiếu bản sắc. Chất lượng tuyển chọn cầu thủ nước ngoài không cao, chịu sự chi phối từ các “ông chủ” đội bóng.
Để vực dậy nền bóng đá thành phố, ngành TDTT TPHCM và Liên đoàn Bóng đá TPHCM cần thiết tổ chức nhiều giải bóng đá năng khiếu các lứa tuổi, bóng đá học đường với mục tiêu tuyển chọn tài năng theo hướng tổ chức đội năng khiếu các quận huyện làm nòng cốt cho đội năng khiếu thành phố; tổ chức các khóa đào tạo HLV bóng đá, tạo nguồn đưa về các quận huyện để hỗ trợ địa phương trong công tác tuyển chọn và đào tạo các lớp năng khiếu từ bóng đá học đường; đẩy mạnh xã hội hóa bóng đá tại địa phương; xây dựng khung chế độ đãi ngộ tốt cho các HLV bóng đá và vận động viên năng khiếu; kết nối Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TPHCM với 2 CLB TPHCM và Sài Gòn trong công tác đào tạo, cung cấp nguồn cầu thủ trẻ, đồng thời giao chỉ tiêu cụ thể về đào tạo.
Một yếu tố đặc biệt quan trọng nữa, đó là bóng đá TPHCM cần nhiều nhà đầu tư lớn có tâm huyết với bóng đá cùng tham gia đầu tư, giao cho nhà đầu tư hợp tác, nâng cấp vận hành khai thác sân vận động Thống Nhất hoặc các dự án đang hình thành như Saigon Sport City để làm sân nhà cũng như tổ chức các tuyến đào tạo trẻ. Những đề xuất tháo gỡ vướng mắc, nâng cấp, xây dựng bộ mặt mới cho hiện trạng thể dục thể thao thành phố cũng cần được tính toán với các kịch bản ngắn, trung và dài hạn.